--------------------- Tư vấn - Thiết kế - Lắp đặt và chuyển giao công nghệ nuôi Chim Yến trong nhà --------------------
VPMN: 35 đường số 10, KP4, P.HBC, Q.Thủ Đức,TP.HCM ----- VPMT: 313 Lê Thanh Nghị,Q.Hải Châu, Đà Nẵng
Tel: 0511.6255.417 - 6255.418 - Fax: 0511.6255.418 *Hotline: 0917.44.65.30 *Email:Phanhungthinhdn@gmail.com

23 tháng 2, 2012

Xây nhà cho chim yến ở Bạc Liêu

Đó là anh Quách Hưng Tòng, kiều bào sinh sống tại California (Mỹ) trở về Việt Nam vào năm 1989. Anh Tòng vừa được UBND tỉnh Bạc Liêu giao đất để thử nghiệm nuôi chim yến trong nhà nhằm khai thác tổ yến.

Theo tính toán của anh, đầu tư một căn nhà để thu hút chim yến về làm tổ rộng tối thiểu 32m2, cao 12m và cần phun mưa tạo độ ẩm, tạo mùi bầy đàn chim yến… hết khoảng 200 triệu đồng. Một năm căn nhà đó có thể thu hoạch được 4 kg tổ yến trị giá trên 100 triệu đồng.

Trở về “kết tổ” chốn quê


Sinh ra và lớn lên tại vùng Minh Hải, Bạc Liêu, đến năm 1979, 22 tuổi, anh rời Bạc Liêu và định cư ở Mỹ. Tại đây, anh tiếp tục đi học rồi đi làm kinh doanh bằng cách mua hàng về bán cho các đầu mối phân phối cho các siêu thị ở Mỹ.

Mười năm ở xứ người, nhận thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam tuy còn khó khăn nhưng có tiềm năng phát triển anh đã quyết định về Việt Nam làm ăn. Anh chia sẻ: “Khi về Việt Nam cũng thử nhiều lĩnh vực nhưng rồi cuối cùng quay về “sở trường” là kinh doanh thực phẩm. Không ai hiểu người Việt Nam bằng chính người Việt Nam, những món ăn như cà pháo, mắm nêm, canh chua cá kho tộ, mắm, muối, tương cà… đã ăn sâu vào máu”. Có lẽ bắt nguồn từ sở thích những món ăn quê nghèo mà vào năm 1990 anh đã thành lập công ty Hải Minh chuyên sản xuất, chế biến và xuất khẩu những mặt hàng thực phẩm “Made in VietNam” với các thương hiệu rất đặc trưng: “Quê hương”, “Cô gái Việt Nam”… Anh bảo: “Tôi chọn những thương hiệu này vì nó rất gần gũi với bà con kiều bào. Người xa quê nào cũng nhớ quê hương, và người Việt Nam nào cũng sẽ ấn tượng với hình ảnh cô gái Việt Nam. Và chỉ có người Việt mới hiểu được hương vị ẩm thực của người Việt Nam”. Anh cho biết, hiện nay tổng số mặt hàng của công ty Hải Minh đã lên đến 800 loại, được xuất sang Mỹ và các nước phương Tây, phân phối đến những nơi có nhiều người gốc Á sinh sống.

Song song với việc điều hành công ty Hải Minh, anh Tòng còn là Ủy viên Hội đồng quản trị Hiệp hội doanh nghiệp Việt kiều và hiện nay anh đang đảm đương trách nhiệm Chủ tịch Chi hội doanh nghiệp Việt kiều người Hoa tại TP.HCM.

Có điều kiện, tại sao không làm?

Trong những lần đi sang Thái Lan, Malaysia, Indonesia… mua hàng về bán cho các đầu mối phân phối cho các siêu thị ở Mỹ, khu vực có nhiều người châu Á sinh sống và hàng hóa cung ứng cho công ty Hải Minh, anh có dịp gặp gỡ và trao đổi với những doanh nghiệp đầu tư nuôi và khai thác yến. Thế là ý tưởng về Việt Nam nuôi yến nhen nhóm trong anh.

Anh nói: “Việt Nam rất có tiềm năng về nuôi chim yến. Từ Khánh Hòa, Nha Trang, Đà Nẵng, đến Bạc Liêu, Cà Mau thậm chí TP.HCM đều có môi trường tốt để khai thác yến. Môi trường ở nước ta thậm chí còn tốt hơn ở nhiều nước trong khu vực. Chất lượng tổ yến Việt Nam luôn được xếp đầu bảng trong danh sách yến sào thế giới. Vậy tại sao người ta làm được còn mình có điều kiện thế lại không dám làm?”.
Nhà nuôi chim yến rộng tối thiểu 32m2, cao 12m và cần phun mưa tạo độ ẩm.

Nghĩ là làm, anh bắt tay vào việc nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim yến, qua sách báo và kinh nghiệm thực tế từ những người trong nghề cả trong và ngoài nước. Đến cuối năm 2008, anh bắt tay vào đầu tư khai thác yến tại Cần Giờ. Dự án đầu tay này anh đầu tư cho khoảng 3.000m2 đất để xây nhà… cho yến ở.

Về thăm Bạc Liêu, anh nhận thấy Bạc Liêu là thị xã ven biển có rừng phòng hộ với nhiều loài sinh vật sinh sống, mà cũng là điều kiện thuận lợi cho việc nuôi chim yến và chế biến yến Sào. Thế là một lần nữa anh mạnh dạn về đây đầu tư nuôi yến. Tháng 6 vừa qua, anh vừa cho khai trương văn phòng Công ty cổ phần Hải Yến tại thị xã Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Dự án này được UBND tỉnh Bạc Liêu chấp thuận và giao cho anh 4.000m2 đất để đầu tư nuôi chim yến trong nhà. Song song đó, công ty của anh còn hợp đồng với Công viên Văn hóa Trần Huỳnh để thử nghiệm nhà yến.

Trao đổi với chúng tôi, anh cho biết: “Ai nói nuôi yến là nghề mạo hiểm chứ theo tôi không mạo hiểm và rủi ro cũng rất thấp. Nuôi yến không khó, quan trọng là kỹ thuật, phải biết cách khai thác: xây các phòng tối, phun sương tạo độ ẩm như trong hang động rồi tạo mùi dẫn dụ chim yến làm tổ”. Cho đến thời điểm hiện tại, anh đã đầu tư khoảng 16 tỷ đồng cho các dự án nuôi yến của anh. Anh cười nói: “Khoảng 3 tháng nữa là dự án ở Cần Giờ sẽ có thu hoạch. Đối với tôi, nuôi yến là một đam mê mới. Có đam mê cộng một chút may mắn nhất định sẽ thành công”.

Anh chia sẻ: “Một khi thành công anh sẽ chuyển giao công nghệ nuôi yến sào cho bà con Bạc Liêu và từng bước nhân rộng mô hình này ở những địa phương có điều kiện thích hợp”. Bởi theo anh: “Nuôi yến là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, và ai cũng có thể làm”.

* Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì sản lượng yến sào trên thế giới đang mỗi ngày một ít đi. Trong khi nhu cầu sử dụng thì ngày càng tăng mạnh, nhất là thị trường Trung Quốc sau năm 2010. Loài chim yến hầu như chỉ còn sống quần tụ ở một số quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á. Sản lượng tổ yến ở miền Trung Việt Nam được thu hoạch hàng năm trên dưới 2.500 kg. Các tỉnh duyên hải miền Trung như: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam và Đà Nẵng, Phú Quốc... là những địa phương có đặc sản yến sào. Tổ yến là loại thực phẩm quý hiếm, chủ yếu dùng để xuất khẩu tăng thu ngoại tệ cho ngân sách địa phương. Hàng năm Việt Nam xuất khẩu một số lượng khá lớn tổ yến sang thị trường Hồng Kông, Bắc Mỹ...

* Công nghệ nuôi yến trong nhà đã phát triển rất mạnh ở các nước khu vực Đông Nam Á. Ở Indonesia - quốc gia cung cấp 60% nhu cầu tổ yến của thế giới - có hơn 150 ngàn nhà nuôi yến; Thái Lan có hơn 70 ngàn nhà yến, Malaysia có hơn 30 ngàn… Còn ở Việt Nam thì số nhà nuôi yến còn rất hạn chế, rất ít so với tiềm năng. Giá bán tổ yến đã sơ chế tại thị trường thế giới có thời điểm lên tới 7.000 USD/kg. Doanh số bán lẻ tổ yến trên thế giới đã vượt quá 4 tỷ USD/năm.
Theo Chi Anh - Báo Diễn đàn doanh nghiệp