--------------------- Tư vấn - Thiết kế - Lắp đặt và chuyển giao công nghệ nuôi Chim Yến trong nhà --------------------
VPMN: 35 đường số 10, KP4, P.HBC, Q.Thủ Đức,TP.HCM ----- VPMT: 313 Lê Thanh Nghị,Q.Hải Châu, Đà Nẵng
Tel: 0511.6255.417 - 6255.418 - Fax: 0511.6255.418 *Hotline: 0917.44.65.30 *Email:Phanhungthinhdn@gmail.com

28 tháng 5, 2013

Công nghiệp nuôi “vàng trắng”


"Thất bại khó hơn là thành công, nếu nuôi đúng kỹ thuật" - PGS-TS Huỳnh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Phương Nam khẳng định như vậy tại cuộc hội thảo khoa học về nuôi chim yến trong nhà được tổ chức vào ngày 12.3 tại TP.HCM.

 
 Trong một nhà yến ở Gò Công - Tiền Giang. Ảnh: Mai Vọng
Chuyên gia Đỗ Vĩnh Thành, Phó viện trưởng Viện KH-CN Phương Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển yến sào, kể: Ở Long Thành (Đồng Nai) có một nhà kho chỉ khoảng 12m2, rất thấp nhưng chim yến vẫn vào ở. Trước đây cạnh nhà kho này là một trường học có yến ở, khi trường học được đập xây lại thì đàn yến sang nhà kho này ở cho tới giờ. Đàn yến chui vô một đường hẻm rồi vào trong nhà kho này. Ở Tam Thôn Hiệp có một căn nhà bán vật tư, chim tự nhiên vào ở và làm tổ trong nhà. Một nhà đầu tư Malaysia đến hợp tác đầu tư, 4 tháng sau có 100 tổ. Vàng trắng tự nhiên vào nhà. 
TS Trần Hoàng Quốc Trang, Chủ tịch Viện KH-CN Phương Nam cũng gọi yến sào là vàng trắng, bởi lợi nhuận thu được từ nghề nuôi yến. Còn theo PGS-TS Huỳnh Văn Hoàng, Viện trưởng Viện KH-CN Phương Nam, giá 1 kg yến bằng 1 lượng vàng, khoảng 35 triệu đồng, quá hấp dẫn. TS Lê Võ Định Tường (Viện Công nghệ hóa học thuộc Viện KH-CN VN) nói, nuôi yến là siêu lợi nhuận. Một cặp chim yến có thể cho lợi nhuận 1 triệu đồng/năm; trong 12 năm cho 12 triệu đồng. Yến sào VN có giá trị rất cao về giá trị thương mại, do tổ yến ngon hơn (dai hơn, cứng hơn Malaysia). Không chỉ có giá trị kinh tế, nuôi chim yến còn có lợi về sinh học. Ông phân tích: Mổ dạ dày chim yến ra thấy thức ăn của yến là rầy nâu, ruồi, mối, kiến cánh, muỗi, côn trùng có hại cho cây trồng. Do vậy, nuôi chim yến sẽ có lợi cho nông nghiệp, giúp hạn chế các dịch bệnh cho cây trồng và con người. Đặc biệt là tránh các bệnh vàng lùn và xoắn lá lúa do vi-rút từ rầy nâu gây ra.
 
 
Theo TS Lê Võ Định Tường, nuôi chim yến trong nhà thời gian thu hồi vốn nhanh (khoảng 3-5 năm), không mất tiền mua thức ăn vì chim tự kiếm ăn, chi phí nhân công thấp, chi phí điện nước ít, biến phí rất nhỏ. Những nơi nuôi chim yến sẽ tăng gấp 3 lần giá trị địa ốc trong vòng 3 năm. Về thị trường, yến sào có giá trị xuất khẩu cao, không sợ cạnh tranh vì cung luôn không đáp ứng đủ cầu và là sản phẩm độc quyền của ASEAN.
Nhà nước nên khuyến khích phát triển nuôi chim yến quy mô kinh tế hộ gia đình rộng khắp đồng thời với phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiến tới xây dựng các khu công nghiệp, khu nông nghiệp kỹ thuật cao, khu sinh thái nuôi chim yến. Ngay từ đầu, cần chú trọng các yếu tố môi trường, phòng chống dịch bệnh, an toàn không lưu để tránh tổn thất di dời sau này. Kết hợp nuôi chim yến lấy tổ với nuôi chim yến phòng trừ dịch hại, phát huy tối đa vai trò phòng trừ dịch hại của chim yến. Kết hợp nuôi chim yến với bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, phát triển nông lâm nghiệp. Kết hợp sản xuất tổ yến với công nghiệp chế tác, chế biến để nâng cao giá trị. Nếu Nhà nước có chính sách rõ ràng, VN có thể có trên 100 ngàn căn.
 
TS Lê Võ Định Tường còn cho biết, công nghiệp nuôi chim yến đã và đang phát triển mạnh mẽ ở ASEAN. Doanh số buôn bán tổ yến trên toàn thế giới 2006 đã lên từ 2,3 - 3,5 tỉ USD. Riêng Malaysia dự báo đến 2020 doanh thu từ tổ yến lên đến 10 tỉ RM (khoảng 3,2 tỉ USD). Đầu tư vào công nghệ nuôi chim yến có những ưu thế đó là có thể xếp vào hạng siêu lợi nhuận trên 1m2 diện tích. Từ 2-10m2 (trung bình 6m2) cho 1 kg tổ yến/năm, nếu tính trị giá khoảng 30 triệu đồng, tức 5 triệu đồng/m2/năm thì sẽ thu 50 tỉ đồng/ha. Nếu làm nhà 2 lầu thì có thể thu 150 tỉ đồng/ha/năm. Tại Malaysia 1 nhà yến 2 tầng (một trệt 2 lầu) tổng diện tích 262m2 có thể thu nhập 112 kg/năm, trị giá > 200.000 USD hay gần 4 tỉ đồng.
Kỹ thuật quyết định
Tuy nhận định của PGS-TS Hoàng là "Thất bại khó hơn là thành công, nếu gây nuôi đúng kỹ thuật", nhưng trên thực tế có khá nhiều nhà yến thất bại. TS Lê Võ Định Tường cho hay, nghề nuôi chim yến thì công nghệ, kỹ thuật là quyết định. Nếu làm không đúng thất bại 99%. Làm đúng công nghệ kỹ thuật đảm bảo trên 90%. TS Tường cho biết, theo tài liệu của Hiệp hội DN vừa và nhỏ Malaysia, tỷ lệ nhà yến thành công tại khu vực nuôi tự phát, cá nhân là 10%, trong khi khu vực các công ty lớn, thuê KH-CN đạt đến 95%. Còn tại VN, ở H.Cần Giờ, TP.HCM dưới 30%; Kiên Giang 5%; Khánh Hòa 10%; Bạc Liêu: 10%; Viện Công nghệ hóa học 98%.
Theo báo cáo của UBND H.Cần Giờ (TP.HCM), số lượng nhà nuôi yến ở huyện này là 77 căn/34.688,4m2. trong đó 17 căn có sản phẩm thu hoạch và 60 căn mới xây dựng, gây nuôi chưa có sản phẩm. Tuy nhiên, theo TS Tường, hiện chưa có tiêu chí nào chuẩn để có thể đánh giá ngôi nhà yến thành công hay không. Nhưng điều rõ ràng là những căn nhà không đầu tư đúng cho KH-CN có thể dẫn đến thất bại, lãng phí tiền.
Chuyên gia Đỗ Vĩnh Thành, cho biết, ở VN cứ 10 nhà nuôi yến thì có 8 nhà thất bại. Lý do là không đúng kỹ thuật. Có nhiều nguyên nhân khiến chim không vào nhà như trong nhà có cầu thang tay vịn bằng sắt, chim không phát hiện đâm đầu vào thang và chết; mùi người lạ. Đặc biệt, độ ẩm trong nhà yến rất quan trọng, khoảng 80% là lý tưởng. Cần có thiết bị khống chế độ ẩm, nếu ẩm độ cao quá, gỗ sẽ bị nấm mốc, chim yến sẽ không chịu làm tổ trên đó. Nhà yến có thể có con gián (ăn tổ yến) và sợ nhất là rắn và dơi. Trong nhà nuôi yến tuyệt đối không có dây điện, không để máy bơm nước vì nếu quên tắt đèn điện, yến sẽ bỏ đi. Khi khai thác tổ yến chỉ dùng đèn pin thôi.  Những nhà cất sát bờ biển chim không ở, trong khi cách biển khoảng 10 km trở lên sẽ thành công. Đó là kinh nghiệm từ Malaysia.
Theo ông Thành, những người nuôi chim yến nên chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, nhất là những nhà lân cận để cùng nhau phát triển. Một khu vực càng có nhiều chim thì đàn chim khác từ Indonesia, Malaysia bay sang VN, thấy có những đàn chim đông đúc, chúng sà xuống ở, sẽ càng nhanh tăng bầy đàn. Khi khu nhà yến càng nhiều chim, giá trị khu nhà càng tăng cao, có lợi cho tất cả các nhà yến trong làng.
Mai Vọng
Nguồn: www.yenbiendong.com

23 tháng 5, 2013

Huế: Nuôi yến trong nhà. Tại sao không?

Trước kia yến chỉ làm tổ ngoài đảo, rồi người ta thu hái tổ cũng phải ra đảo, chăm sóc đàn cũng ngoài đảo...Bao khó khăn, gian khổ và cả nguy hiểm tính mạng cũng chỉ có Biển, có sóng, có một vài loài chim biển và bản thân mình biết.
Và rồi yến theo đàn đi cư vào đất liền kiến ăn và tìm nơi "định cư" - Một ngành mới xuất hiện đầy tiền năng và cũng đầy ngạc nhiên. Đến hôm nay thì ngành ấy đã có "thâm niên" 15 năm tại VN.
Với địa thế và khí hậu thuận lợi, Huế là một trong những địa phương có số lượng đàn yến trong tự nhiên khá đông. Chúng thường tập trung trong các khu vực nhà hát, bệnh viên, trường học và thông thường chúng chỉ "tạm trú" trong thơi gian kiếm một nơi phù hợp để định cư.
Chính vì vậy, chúng tôi muốn đưa công nghệ và kỹ thuật nuôi yến tại gia tới với Quý vị để vừa tạo môi trường sống tốt nhất cho bày yến, mang lại một nguồn thu nhập ổn định cho nhà đâu tư và quan trọng nhất là sự duy trì bày đàn trong tự nhiên.
Hoan nghênh tất cả những ý kiến, thắc mắc của Quý vị tới công ty và dịch vụ của chúng tôi thông qua website: www.yenbiendong.com 
hoặc email phanhungthinhdn@gmail.com 
hay số Điện thoại 0917.44.65.30.
Chúng tôi mong muốn sẽ là cầu nối giúp quý vị hiểu và yêu thích một ngành nghề mới này và Hi vọng một ngày gần nhất sẽ được hỗ trợ và hợp tác cùng Quý vị!
Kinh chúc sức khỏe - An khang.
BGD Công ty.
YẾN BIỂN ĐÔNG® - CÔNG TY TNHH XD - TM & DV PHAN HƯNG THỊNH
VP Miền Nam: 35 Đường số 10, KP4, P.HBC, Q. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
VP Miền Trung: 313 Lê Thanh Nghị, Q. Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
VP Miền Bắc: nhà A3, Phòng số 1, Ngách 105/1 Nguyễn Công Hoan, Q. Ba Đình, Hà Nội
Tel:  0511.6255.417 – 6255.418                 Fax: 0511.6255.418                        MST: 0401416968

15 tháng 5, 2013

Cận cảnh "Thiên hạ Đệ nhất yến"

Rà trên các tour quảng bá “Hành trình di sản miền Trung”, ai cũng thấy có điểm tham quan Hòn Lao thuộc Cù lao Chàm, Hội An, và đây chính là đảo yến lừng danh nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, du khách sẽ còn thấy thêm chú thích chỉ được nhìn từ xa Hòn Khô, bởi tất cả những người không có trách nhiệm, chưa ai từng được đặt chân lên hòn đảo kỳ dị này.
Chính xác thì tất cả tàu bè đều phải chạy cách hòn đảo 400m. Nhưng rồi một chuyến đi đặc biệt có giấy phép đã tạo cơ hội cho chúng tôi một lần được tận mắt nhìn thấy hòn đảo đã cưu mang những con yến bé nhỏ từ hàng ngàn năm nay, để loài chim tạo ra một thứ sản vật lừng danh làm cho tất cả những ai có tiền đều phải ao ước.

Trong đình thờ Thành Hoàng ở Bãi Hương thuộc Cù lao Chàm, mùi khói nhang của dịp giỗ tổ nghề yến vào tháng Ba Âm lịch chưa phai hẳn. Nghe nói không chỉ có dân xã Thanh Châu khai thác yến cha truyền con nối mới đến dâng hương dịp giỗ tổ, mà tất cả các công ty khai thác, chế biến, kinh doanh yến sào trong Nam, ngoài Bắc đều tề tựu về đây dâng lễ rất lớn để nhớ tổ nghề.
Tổ nghề yến là lão nông Nguyễn Văn Hòa, người Thanh Châu, Hội An, đã được triều đình Huế phong chức Đội trưởng khai thác yến. Con trai ông Hòa là Nguyễn Văn Học, làm đến chức Tổng quản Tam tỉnh Yến Hộ, coi sóc việc khai thác yến ở ba tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.
Sở dĩ dân làm yến tôn xưng ông Nguyễn Văn Hòa làm tổ nghề, dù ông chỉ là kẻ hậu sinh khi nghề yến đã có tới 400 năm tồn tại, vì ông là người có quyền cao, chức trọng nhất vùng Cẩm Thanh, Hội An nhờ nghề làm yến. Cũng chính ông cùng những người lính triều đình quê gốc vùng Cẩm Thanh lên thuyền đi khắp các vùng quần đảo ngoài khơi, đi lần vào tới Bình Định, phát hiện ra những hang yến làm tổ ở bán đảo Phương Mai.
Sau đó một năm, ông phát hiện thêm đảo yến ở Hòn Mun và một số đảo khác có yến tại ngoài khơi biển Khánh Hòa, chính thức đưa Việt Nam vào danh sách vài nước Đông Nam Á có món đặc sản yến sào. Trên bàn thờ tổ nghề còn một bát hương lớn nữa mà người dẫn đường kính cẩn thắp bó nhang vái lạy, ông nói đó là bát hương dành tưởng nhớ người bỏ mạng ngoài biển trong lúc khai thác yến.
 
Đường vào hang yến
Từ nơi này nhìn ra, Hòn Khô thật sự kỳ dị bởi nó bao gồm những tảng đá to xếp lên nhau, bên trong có hang sâu, nơi bầy yến chọn chỗ cao nhất làm tổ trên vách. Không bóng cây cỏ nào mọc nổi trên đá bỏng rát dưới nắng tháng Tư khi chúng tôi bò qua những tảng đá to bằng vài chiếc chiếu, trơn nhẵn để vào gần hang nơi yến làm tổ.
Những con yến xám bé tí xíu nhưng lại có sức khỏe để bay suốt ngày kiếm ăn trên biển, đến mùa kết bạn, chúng quấn quýt bên nhau, nhỏ dãi xây tổ ấm sinh sôi. Chúng tìm nơi hang sâu, trơn trượt để làm tổ, nơi rắn hay chuột cũng không thể đến để ăn trứng. Nhưng con người vẫn đến.

Tháng Tư là mùa khai thác tổ yến vụ chính. Lúc này những người thợ đang lặng lẽ làm giàn tre cao dần theo dấu những chiếc tổ xinh xinh trên cao mà thiếu kinh nghiệm như du khách khó lòng phân biệt. Khai thác yến là nghề rất nguy hiểm.
Chỉ cần sẩy chân là rơi từ độ cao gần trăm mét xuống đá tảng rồi lăn xuống biển sâu, cầm chắc cái chết. Lên đến độ cao như thế, gió biển ù tai, chỉ cần tâm không tịnh, không thanh thản, không đủ sức khỏe sẽ dễ gặp nạn. Bây giờ đã có giàn leo, nhưng chiếc giàn cũng đu lắc dữ dội, công nhân khai thác yến như làm xiếc giữa trùng khơi, vẫn bội phần hiểm nguy.
Khi nhìn cảnh ấy không khỏi chạnh lòng nghĩ gần năm trăm năm có nghề khai thác yến, quanh nơi này biết bao người xưa bỏ mạng. Lại nghĩ đàn yến suốt ngày bay giữa biển khơi, chỉ ăn côn trùng, uống nước trong tận suối trên đỉnh núi để có được những giọt nước dãi tinh khiết và bổ dưỡng, đến tối bay về tìm tổ chỉ thấy vách đá trống không.
Những dịp hiếm hoi tiếp cận hang yến trên đảo Hòn Khô
Khi mất tổ chúng sẽ cật lực làm tổ mới cho kịp mùa đẻ trứng. Lúc này chim sức tàn, lực kiệt, thời gian không còn nhiều nên chiếc tổ yến không còn nhiều giá trị dinh dưỡng. Nhưng tổ yến loại hai này cũng bị khai thác vào tháng Tám Âm lịch, khi bầy chim non tạm cứng cáp rời tổ.

Ai cũng mong một lần tận mắt nhìn thấy chiếc tổ yến huyết biểu tượng của sức mạnh và tình yêu. Chính xác là muốn nhìn tận mắt những tai yến khai thác về có màu hồng đỏ, dường như máu của chim yến đã tan chảy vào chiếc tổ cho lứa con thơ.
Ông Nguyễn Vân, một nghệ nhân của đội yến Cù lao Chàm hồi tưởng, suốt mấy chục năm làm yến, ông chỉ bắt gặp yến huyết hai lần, với số lượng ít ỏi, là tổ của những con chim khỏe nhất chọn nơi đỉnh hang cao nhất, thâm sơn cùng cốc làm tổ. Có thể vì sức khỏe và sự dũng mãnh đó làm cho con chim này đã tận tâm tận sức với chiếc tổ của mình đến thổ huyết tạo ra chiếc tổ màu hồng đỏ.
Nếu thật sự còn yến huyết, giá trị của nó không dưới 7.000 USD/ký. Vì thế, nó là món hàng bị săn lùng nhiều nhất. Ông Nguyễn Vân kể rằng, ngày xưa có bà Huyền Phi, vợ vua Thành Thái rất được vua sủng ái vì có nước da tươi hồng.
Anh trai của Huyền Phi thường nhờ các quan đầu tỉnh xứ Quảng săn lùng yến huyết, thứ yến hạng nhất chỉ có ở Hòn Khô, Cù lao Chàm, đưa về dâng lên cho bà phi dùng bồi bổ cơ thể và nhan sắc. Vì thế, trong Hoàng tộc Huế rất chuộng thứ yến sào Quảng Nam, cho rằng hơn hẳn yến Khánh Hòa hay Bình Định.
Dù sao yến huyết hay các thứ yến hạng nhất cũng chẳng đến tay người Việt, bởi ngay từ khi thương cảng Hội An tấp nập thuyền bè vào ra cách nay 300 năm, yến sào chính là món hàng mang lại lợi nhuận rất lớn cho thương nhân, những mao yến là loại hạng nhất đều về tay các thương nhân Đài Loan vốn chuộng món thực phẩm mang danh “đệ nhất bát trân ngự thiện” nên đã bỏ tiền đặt hàng từ mùa yến chưa... làm tổ.
Ngày nay cũng vậy, với sản lượng chừng 700 ký mỗi mùa khai thác, yến sào Cù lao Chàm là mặt hàng hiếm hoi không đủ đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, giá cao hơn yến sào Khánh Hòa khá nhiều. Yến hạng nhất ở đây nặng tới 15gam, có giá 5.000 USD/ký.
Thứ yến người Việt đang mua bán, sử dụng trên thị trường là bạch yến, tổ yến khai thác vào tháng Tám Âm lịch, tức là loại tổ con chim yến phải làm lại sau khi mất tổ đầu tiên, chất lượng kém hẳn so với cái tổ đầu tiên.

Trên Hòn Khô, anh Vũ, Đội phó Đội khai thác yến, kể chuyện nghề rất thú vị. Lúc đầu mới đi gỡ tổ yến, nhiều anh em run tay thương con chim bé nhỏ chung thủy. Sau nghề yến ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, người thợ kiêm luôn cả việc săn sóc, bảo vệ đàn yến.
Hằng ngày, họ cũng leo trèo chăm chút, cứu chữa bầy chim non đang vắng cha mẹ như các bác sĩ điều dưỡng ở độ cao hàng chục mét so với mặt nước. Đàn yến thiên nhiên ở đây phát triển đã tăng dần sản lượng khai thác yến sào mỗi năm. Mặc dù tàu thuyền qua lại phải giữ cự ly cách Hòn Khô vài ba trăm mét, nhưng ngẩng đầu lên có thể thấy yến bay rợp trời trên đỉnh hang đá của đảo nhỏ.
Món yến nay đã được bình thường hóa nhờ nghề nuôi yến trong nhà phát triển ở các vùng từ Nam đèo Hải vân trở vào, nhưng các thương lái chuyên nghiệp đều định giá tổ yến ở các đảo thiên nhiên cao gấp đôi so với yến nuôi trong nhà do khác nhau về độ đậm đặc dinh dưỡng. Vì vậy, danh xưng “Đệ nhất yến sào Cù lao Chàm trong vùng Đông Nam Á” chưa thể mất đi trong tương lai.
 
BÍCH HỒNG - Nguồn Báo Doanh nhân Sài gòn

Yến sào Cù Lao Chàm xuống phố

UBND thành phố Hội An đã qui hoạch một ngôi nhà khang trang trong nội vi phố cổ làm nơi giới thiệu giá trị cho đặc sản yến sào thiên nhiên của Cù lao Chàm với du khách gần xa.
Tại đây, du khách có thể nghe về giá trị của yến sào Cù lao Chàm, xem biểu diễn qui trình làm sạch tổ yến nguyên chất và chế biến thành hàng loạt sản phẩm phong phú như chè yến, rượu trứng yến, và tổ yến sào thượng hạng chính gốc yến thiên nhiên Cù lao Chàm. Điều này không bình thường như việc giới thiệu một đặc sản của địa phương, bởi yến sào khai thác từ Cù lao Chàm bao nhiêu năm nay vẫn luôn là nguồn hàng quí hiếm và bí ẩn đối với thị trường Việt.
Với sản lượng chưa bao giờ được công bố công khai, toàn bộ số lượng yến loại cao cấp sau khi khai thác được các thương nhân Đài Loan bao tiêu toàn bộ. Một số khách hàng nội địa có nhu cầu phải đăng ký cơ chế “duyệt” bán từ UBND thành phố với số lượng ít một vài lạng! Tuy nhiên, khi vụ thu hoạch yến thứ hai trong năm 2012 kết thúc, số lượng yến sào tồn đọng tại chỗ không bán được trị giá gần 80 tỷ đồng khiến cho ngân sách của Hội An thất thu nghiêm trọng.
Đây là cơ hội để người tiêu dùng nội địa tiếp cận với loại thực phẩm quí hiếm này.
B.H - Nguồn: Báo Doanh nhân Sài gòn

Ninh Thuận công bố hết dịch cúm A/H5N1 trên chim yến

TTO - Sáng 13-5, ông Trần Quốc Nam - người phát ngôn UBND tỉnh Ninh Thuận - cho biết chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành quyết định công bố hết dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến nuôi tại nhà hát Thanh Bình (P.Đạo Long, TP Phan Rang - Tháp Chàm).
 
Nhân viên thu gom tổ yến tại rạp hát Thanh Bình chiều 20-4-2013 - Ảnh: Tiến Thành
 
Theo quyết định, đã qua 21 ngày theo quy định kể từ ngày công bố dịch (19-4), tại ổ dịch trên không phát hiện có chim yến chết, các mẫu xét nghiệm chim yến sống cho kết quả âm tính với virút H5N1, công tác tiêu độc khử trùng được thực hiện hiệu quả và tiến hành tiêm phòng cho gần 100.000 con gia cầm dưới mặt đất trong phạm vi ảnh hưởng của ổ dịch.
Cùng với việc công bố hết dịch, chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng trực thuộc phối hợp với chính quyền địa phương theo dõi chặt chẽ nhà nuôi yến vừa công bố hết dịch, không để dịch tái xuất hiện; đồng thời tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh trên đàn yến nuôi trong tỉnh để kịp thời xử lý.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4-2013, tại cơ sở nuôi yến ở nhà hát Thanh Bình xuất hiện yến chết hàng loạt với số lượng 5.000 con. Cơ quan thú y đã kiểm tra, giám sát và phát hiện tất cả yến chết đều dương tính với virút cúm A/H5N1; một số mẫu yến sống và tổ yến cũng nhiễm virút này. Theo cơ quan thú y, đây là lần đầu tiên xuất hiện dịch cúm gia cầm trên chim yến.
DUY THANH - Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Dịch H5N1 ở chim yến: Dân hoang mang, cơ quan chức năng lúng túng!

(LĐ) - Số 88 - Thứ hai 22/04/2013
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chính thức công bố dịch cúm A/H5N1 tấn công đàn chim yến nuôi tại rạp Thanh Bình - 592 đường Thống Nhất, P.Đạo Long, TP.Phan Rang, Tháp Chàm.  Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch cúm A/H5N1 để bảo vệ đàn chim yến nuôi đang khiến cả người dân và cơ quan chức năng lúng túng.
 
Trong thực tế, từ cuối tháng 3, ngay khi phát hiện chim yến chết hàng loạt, một số người đã liên tưởng đến virus H5N1. Tuy nhiên,  vì nhiều lý do “tế nhị”, ổ dịch được giữ kín, cho đến khi ông Võ Thái Lâm - một trong những chủ sở hữu “ngôi nhà yến” lớn nhất TP.Phan Rang-Tháp Chàm - hoảng sợ, gửi đơn cầu cứu các cơ quan truyền thông và các ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận.

Bấy giờ, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm chim yến bị chết cho kết quả dương tính với H5N1, công luận và dư luận hết sức hoang mang, lo lắng; nhưng vì thiếu hiểu biết về loài chim yến nên phản ứng của “những người trong cuộc” rất chậm chạp và lúng túng.

Quyết định (số 862/QĐ-UBND ngày 19.4.2013)  của UNND tỉnh Ninh Thuận mới chỉ công bố dịch cúm gia cầm tấn công “ngôi nhà yến” ở 592 đường Thống Nhất, TP.Phan Rang-Tháp Chàm; trong khi thực tế  đã phát hiện ít nhất 2 địa chỉ ''báo động đỏ'' kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm chim yến chết dương tính với H5N1; đó là chưa kể một số cơ sở lặng lẽ thu nhặt chim yến chết, nhưng không lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Đáng lo hơn, nội dung quyết định công bố dịch nói trên của UBND tỉnh Ninh Thuận căn cứ thông tư số 69/2005 của Bộ NNPTNT, do đó copy “hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm H5N1 ở gia cầm”!

Trong khi loài chim yến nhà (tên khoa học: Aerodramus Fuciphagus Amechanus) có tập tính sống theo bầy đàn, rời khỏi tổ là bay cao, bay xa... và chúng chỉ có thể đớp mồi (côn trùng nhỏ) trên không trung mà không thể mổ, nhặt mồi trên mặt đất như gà, vịt. Do đó, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cấp, các ngành “khẩn cấp tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp bắt buộc khác...” là không khả thi.
Lấy mẫu bệnh phẩm chim yến chết để xét nghiệm H5N1. Ảnh: Lưu Phong

Dù thế nào, những người chủ “ngôi nhà yến” Thanh Bình cũng đã thiệt hại hàng chục tỉ đồng do môi trường sống của đàn chim yến hơn 100.000 con đã bị phong tỏa bằng hóa chất. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa, tất cả các cơ sở nuôi chim yến nằm xen kẽ trong khu dân cư đông đúc, diện tích nuôi khoảng 50-300m2; nhà yến ở trên cao, chim bay trên trời nên rất khó kiểm soát dịch bệnh.

Đã đến lúc các nhà khoa học chủ động liên hệ với doanh nghiệp nuôi yến để thu thập thông tin hoặc nghiên cứu bổ sung, nhằm tổng hợp đầy đủ dữ liệu khoa học về bệnh, dịch thường gặp trên chim yến và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch cụ thể, chính xác. Mặt khác, những địa phương có người làm nghề nuôi chim yến cần tham mưu, đề xuất với Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Chống dịch cúm A/H5N1: Bảo hộ người nuôi hơn giết yến

“Có giết hết chim yến mang mầm bệnh? Tôi khẳng định chắc rằng không thể thực hiện được và tiêu huỷ không xuể” - TS-BS Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế công cộng TP.Hồ Chí Minh, người đã có bề dày kinh nghiệm trong phòng, chống dịch lở mồm long móng, SARS, A/H5N1, A/H1N1 - khẳng định với phóng viên Lao Động sau quyết định tiêu huỷ khoảng 10.000 con chim yến tại Ninh Thuận do dịch cúm A/H5N1.
(?) Thưa ông, cúm A/H5N1 được phát hiện trên đàn chim yến. Nhiều người cho rằng quyết định tiêu huỷ yến là không hợp lý, quá vội vàng vì đó là chim trời, việc chống dịch đối với chim đang đi “trật lề”?

- Ở VN, lâu nay chỉ phát hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nuôi. Vì thế khi dịch bệnh xảy ra, việc tiêu huỷ cũng dễ dàng với mục đích tránh lây lan virus cho con khác và từ đó tránh lây lan trong cộng đồng. Cơ quan chức năng tiến hành khoanh vùng, tiêu huỷ tất cả các con vật có hay không mầm bệnh và đảm bảo không có con nào chạy thoát ra ngoài để lây cho con khác. Việc tiêu huỷ gia cầm, thuỷ cầm (vịt chạy đồng...), trâu, bò, lợn dễ dàng thực hiện vì đó là vật nuôi.

Riêng với chim trời- đặc biệt là chim yến- thì lại khác hoàn toàn. Khoanh vùng để tiêu huỷ chim yến liệu có làm được không, có giết hết được chim yến mang mầm bệnh? Tôi xin khẳng định chắc rằng không thể thực hiện được và tiêu huỷ không xuể. Nguy hiểm ở chỗ, khi tiêu huỷ không khéo chim bị động ổ sẽ bay sang chỗ khác và mang theo mầm bệnh phát tán rộng hơn, lây cho những đàn mới và cứ thế dịch sẽ lan rộng.

(?) Trên thế giới, liệu có cách tiêu huỷ chim nhiễm bệnh như Việt Nam hay không?

- Tôi đọc nhiều sách về phòng, chống dịch, nhưng chưa có nước nào hoặc tổ chức nào triển khai chiến dịch tiêu diệt chim mang mầm bệnh cả. Đừng nghĩ chỉ có chim yến bị nhiễm bệnh, lâu nay cũng có nhiều loại chim như chim sẻ, bồ câu cũng bị nhiễm virus chết, nhưng chúng ta không để ý. Như vậy, dịch bệnh đối với chim thì không có gì mới vì nó đã tồn tại từ trước đến nay. Khi nuôi chim yến, chúng ta phải lường trước được việc này và chắc chắn chim yến cũng không thoát khỏi quy luật nhiễm bệnh.
Lấy mẫu chim yến chết tại chuồng nuôi ở Bình Thuận. Ảnh: Lưu Phong

(?) Dân hoang mang, chính quyền lúng túng trong việc xử lý dịch cúm từ chim trời. Theo ông, động thái chống dịch bây giờ là gì?

- Đối với chim yến, tập tục sống của nó ở trên trời nên khó lây bệnh từ gia cầm nuôi. Đến thời điểm này, chưa ai nghiên cứu để trả lời câu hỏi: Nguồn lây của chim yến phát xuất từ đâu khi chim yến bay trên trời không xuống dưới đất, không kiếm ăn dưới đất, nhưng virus thì ở mặt đất. Theo tôi, có thể chim yến bị lây từ loại chim khác đã mắc bệnh, hoặc có thể bị lây từ nguồn khác như từ người nuôi khi thu hoạch khai thác tổ yến... Môi trường ở dưới đất mới lây cho chim trên trời khi bay về tổ.

Khi nuôi chim yến, cơ quan chức năng phải tính đến việc chim nhiễm bệnh chắc chắn sẽ xảy ra và khi bị nhiễm thì phải xử lý như thế nào. Chính vì không có dự báo nên khi gặp tình huống trên lại bị lúng túng xử lý. Công việc bây giờ không phải là trả lời câu hỏi tại sao yến nhiễm bệnh, mà là việc chính quyền sở tại hoặc cấp trung ương nên có những ý kiến, hội thảo, hội nghị của các cơ quan chuyên môn đưa ra những hướng xử lý, hướng dẫn những quy định để đối phó với dịch này hiệu quả nhất.

(?) Vậy, nếu không tiêu huỷ thì cứ để cho chim yến tự thân chống bệnh thì có an toàn?  

- Giết yến sẽ không mang lại kết quả dập được dịch như mong muốn. Việc tiêu huỷ chỉ mang lại sự an tâm và cảm giác tâm lý an toàn cho người dân. Nhưng nếu không giết thì nguy cơ sẽ lây nhiễm cho những con chim khác và lây nhiễm cho gia cầm, thuỷ cầm và những người trực tiếp nuôi, thu hoạch yến. Cần phải nhớ rằng đặc điểm của dịch bệnh: Nếu dịch lây lan rộng thì sự miễn dịch sẽ mạnh hơn. Con nào mạnh thì qua đi, con nào yếu thì tự chết.

Còn nếu chúng ta giết không hết, có nhiều con chạy thoát thì tiếp tục lây lan và dịch sẽ kéo dài.

Ở góc độ khác, theo quy luật phòng, chống dịch lâu nay, nếu không tiêu huỷ có thể dịch sẽ phát triển rộng hơn, nhưng nó sẽ kết thúc nhanh hơn vì sự miễn dịch sẽ nhanh chóng xuất hiện.

(?) Cúm A/H5N1 quá nguy hiểm, đe doạ đến sức khoẻ cho con người. Không giết chim thì làm sao bảo vệ được người?

- Thay vì giết chim trời khó như... đếm sao thì chúng ta nghĩ đến phương án có động thái bảo vệ người. Cụ thể, bảo vệ người tiếp xúc trực tiếp với yến như người nuôi, khai thác, sơ chế. Theo đó, phải nâng cao năng lực phòng ngừa bệnh cho những người này bằng cách trang bị kiến thức, dụng cụ bảo hộ lao động, dung dịch sát khuẩn... Nếu tuân thủ quy trình tự sát khuẩn như tắm rửa thay đồ sau khi tiếp xúc với yến, sẽ hạn chế sự lây lan không chỉ cho chính bản thân mà cho cả những người xung quanh.

Thông qua đợt dịch lần này, cơ quan thú y phối hợp với y tế triển khai hướng dẫn những biện pháp phòng thủ, phòng ngừa lây nhiễm cho người. Quy định bắt buộc cơ sở nuôi chim yến phải có những phương tiện, trang bị dụng cụ gì để bảo vệ cho con người trước dịch bệnh là điều đáng làm.

- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Lao Động

Yến sào Khánh Hòa Sanest: Thương hiệu bị đánh cắp

Báo Người cao tuổi đã đăng bài phê phán việc HTX Thương mại và Dịch vụ Yến Sào Gò Công (Tiền Giang) đánh cắp nhãn hiệu Yến Sào Khánh Hòa Sanest để đánh lừa người tiêu dùng, nay trắng trợn hơn, còn xuất hiện một đơn vị mang đúng tên của Công ty yến sào Nha Trang.
 
 
Tự chặt vào tay mình
 
Sau gần một năm vận hành, ngày 27/2/2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Khánh Hòa cấp giấy phép thành lập Công ty TNHH Yến sào Nha Trang. Trụ sở tại 48A Yersin, phường Phương Sài, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ngành nghề kinh doanh: Mua bán tổ yến và các loại sản phẩm từ tổ yến, nuôi chim yến, sản xuất chế biến từ tổ yến. Giám đốc doanh nghiệp là ông Hà Danh Trí.
 
Ngay sau khi có giấy phép, ông Hà Danh Trí dựng bảng hiệu, lấy ngay logo của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa gắn vào bảng hiệu của công ty mình, lập một trang Web tung lên mạng quảng cáo hình ảnh về sản phẩm cùng những hang đảo yến trong vịnh Nha Trang.
 
Việc làm của ông Hà Danh Trí đã gây phản ứng mạnh mẽ trong cán bộ nhân dân TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Báo Khánh Hòa số ra ngày 31/3/2013 có bài “Thương hiệu yến sào Nha Trang, nay là Yến sào Khánh Hòa giá trị tài sản bị xâm phạm nghiêm trọng”. Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa cũng có phóng sự phê phán. Còn hơn 4.000 cán bộ, nhân viên Công ty Yến sào Khánh Hòa bức xúc, gửi công văn, đơn thư lên lãnh đạo tỉnh kiến nghị: “Không được lấy tài sản của Nhà nước giao cho cá nhân”. Yến sào Nha Trang hiển nhiên đã là Yến sào Khánh Hòa từ bao năm nay, bởi đó là một phân đoạn của lịch sử Yến sào Khánh Hòa.
 
Toàn bộ tài sản yến sào trên các đảo ở vùng biển Khánh Hòa, trong đó có Nha Trang là của Nhà nước, của nhân dân. Lúc đầu là HTX khai thác yến sào, một loại sở hữu tập thể dưới sự quản lí của UBND phường Vĩnh Nguyên. Năm 1986, HTX này được nâng lên thành đơn vị khai thác Yến sào do TP Nha Trang quản lí với tên gọi Xí nghiệp Yến sào Nha Trang. Năm 1993, UBND tỉnh Khánh Hòa quyết định đặt nguồn tài nguyên quý hiếm này thuộc sự quản lí của tỉnh. Công ty Yến sào Khánh Hòa ra đời từ đó. Năm 2009, với sự phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực, Công ty Yến sào Khánh Hòa được đổi tên thành Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa. Sở KH&ĐT lấy trích đoạn của lịch sử yến sào Khánh Hòa để cấp phép cho một cá nhân khác nào tự chặt vào tay mình?
 
 
 
Đảo yến trên vịnh Nha Trang, tài sản chỉ Công ty TNHH Nhà nước MTV
Yến sào Khánh Hòa mới có, nhưng ông Hà Danh Trí (người chỉ tay) đã tung lên
trang Web và cho đó là tài sản của ông.
 
Cấp giấy phép trái luật, cần giải cứu ngay
 
Việc cấp giấy phép thành lập Công ty TNHH Yến sào Nha Trang của Sở KH&ĐT Khánh Hòa là vi phạm pháp luật, đồng thời là sự tiếp tay cho cá nhân chiếm đoạt tài sản Nhà nước. Việc ông Hà Danh Trí tự tiện lấy logo của Yến sào Khánh Hòa gắn lên bảng hiệu của công ty mình là vi phạm nghiêm trọng về bản quyền thương hiệu.
 
Báo Khánh Hòa số ra ngày 31/3/2013 đưa ra một nhận định đầy cảnh tỉnh: Đây không chỉ là hành vi phá hoại về kinh tế mà còn chứa đựng cả vấn đề an ninh quốc gia! Vậy vì sao Sở KH&ĐT biết rất rõ Yến sào Nha Trang là một phân đoạn của Yến sào Khánh Hòa mà vẫn cấp giấy phép? Ông Hà Danh Trí và công ty của ông ta không có một mi-li-mét vuông nào trên đảo yến mà vẫn vô tư quay phim rồi tung lên mạng để quảng cáo rùm beng mà không một cơ quan chức năng nào có ý kiến về hành vi gian lận thương mại này?
 
Cần biết, việc thiết kế một lúc nhiều website, rồi tung lên mạng hàng loạt thông tin sai sự thật với mục đích lừa đảo khách hàng, là vi phạm Điều 7 và Điều 89 Nghị định số 28/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
 
 
Từ thực tế trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Khánh Hòa cần xem xét nghiêm túc kiến nghị của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, chỉ đạo Sở KH&ĐT rút Giấy phép thành lập Công ty và Giấy phép kinh doanh của Công ty Yến sào Nha Trang. Kiểm điểm và có biện pháp xử lí những người tiếp tay cho tư nhân “chiếm đoạt” tài sản của Nhà nước.
 
(Theo Người Cao Tuổi)

Có dấu hiệu phá hoại thị trường kinh doanh yến sào Việt Nam

26/04/2013 14:58
(BVPL) - Đó là nhận định của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư, nuôi chim yến xung quanh việc tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm A/H5N1 phát hiện tại cơ sở Thanh Bình (592 đường Thống Nhất, TP.Phan Rang). Vấn đề đặt ra là các cơ quan chức năng chưa thực hiện kỹ lưỡng, thiếu chặt chẽ trong quy trình kiểm tra, xác định mẫu chim bị nhiễm bệnh. Sự việc trở nên nghiêm trọng do một cổ đông của doanh nghiệp nuôi chim yến cung cấp thông tin ra công chúng.
Thông tin gây nhiều hoang mang
Sự bức xúc của người dân đã lên đến “đỉnh điểm” khi tỉnh Ninh Thuận công bố phát hiện virus cúm A/H5N1 tại cơ sở Thanh Bình. Nói là “đỉnh điểm” bởi ngay sau khi công bố dịch, rất nhiều người dân tỏ ra hoang mang trước tin đồn dịch có thể lan tỏa, người tiêu dùng ngừng sử dụng tổ yến (yến sào) để tham khảo thông tin và doanh nghiệp kinh doanh yến sào thì điêu đứng vì thị trường không có giao dịch.
Các kết quả xét nghiệm âm tính (không nhiễm virus) từ chim yến tại cơ sở Thanh Bình.
 
Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược. Chim yến chết được xác định bởi nhiều nguyên nhân (môi trường sống nhà chim chật hẹp, khí hậu miền Trung vào giai đoạn nắng nóng kéo dài...). “Lý do thông tin chim chết ban đầu được cung cấp ra bên ngoài khiến sự việc phức tạp hơn bởi ông Võ Thái Lâm, Nguyên Sáng lập viên Công ty CP Yến Việt, Nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Việt (chủ quản Cơ sở Thanh Bình)” – một đại diện Công ty Yến Việt cho chúng tôi biết.
 
Theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện tại ông Võ Thái Lâm không còn đảm nhiệm vai trò điều hành Công ty Yến Việt vì liên quan đến một số công tác về quản trị tài chính. Nhiều cổ đông và cả cán bộ nhân viên Công ty CP Yến Việt cũng bức xúc trước việc ông Lâm dù giữ vai trò cổ đông tại Yến Việt song lại tham gia trong Công ty TNHH Yến Sào Thăng Long (Dragon nest) - doanh nghiệp cạnh tranh trực tiếp với Công ty CP Yến Việt.
Một điểm trùng hợp đáng lưu ý là vào thời điểm xảy ra việc chim chết nhiều cũng là thời điểm ông Lâm có quyền vào khu vực cơ sở Thanh Bình. Sau khi cơ sở Thanh Bình áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ người ra vào khu vực nuôi chim, không cho phép ông Lâm vào nhà thì hiện tượng chim chết cũng giảm dần và tới nay gần như hết hẳn.
 
Các chuyên gia nói gì?
Một trong những nhà khoa học từng có kinh nghiệm nghiên cứu trên 15 năm trong chuyên ngành nuôi chim yến, PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật - Viện Sinh học Nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) khẳng định: “Đây là lần đầu tiên trên thế giới phát hiện chim yến nhiễm virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, kết quả này không thuyết phục vì quy trình kiểm nghiệm và công bố dịch trên chim yến vừa qua dường như chưa được tiến hành một cách kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính chính xác. Các kết quả kiểm nghiệm do các đơn vị có chức năng xét nghiệm dường như cũng không được cung cấp kịp thời cho doanh nghiệp. Ở đây, chúng ta không trách cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm, bởi đúng là lần đầu tiên trên thế giới gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, thiết nghĩ cơ quan chức năng cần tham khảo ý kiến từ các nhà khoa học trước khi công bố thông tin. Việc tiến hành giám sát phòng chống dịch cũng cần được cẩn trọng xem xét kỹ lưỡng trước khi công bố thành dịch”.
Chim yến vẫn sống bình an tại các nhà yến gần cơ sở Thanh Bình, tỉnh Ninh Thuận
TS. Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đa dạng sinh học Hòa An (Trường Đại học Cần Thơ) phân tích: Tại các nước, khi xử lý dịch cúm gia cầm, người ta hiểu được sâu xa của cơ chế lây lan, từ đó giải quyết các ổ dịch đúng hướng nhằm bảo vệ ngành chăn nuôi gia cầm. Chỉ riêng chúng ta làm theo một cách hoàn toàn khác là phát hiện ổ dịch thì khoanh bán kính mấy cây số rồi tiêu hủy hết, có những chuồng trại không bị dịch cũng tiêu hủy luôn. Về vấn đề chim yến hiện nay ở Việt Nam, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu cụ thể, phải biết chính xác rồi mới quyết định. Tôi tin là không có ai làm như cách mà chúng ta đã từng làm và đang làm là diệt tất tần tật như vậy cả.
Ông L.D.H, chuyên gia trong lĩnh vực nuôi chim yến tại Việt Nam, người đang tiến hành nuôi chim yến tại Indonesia cho biết: Ở một số nước như Indonesia, người ta hàng trăm ngàn nhà yến so với vài ngàn nhà yến tại Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua mấy lần phát dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm nhưng hoàn toàn chưa phát hiện dịch cúm trên chim yến. Bản thân chim yến là loài sinh trưởng tự nhiên, sức đề kháng rất cao và cũng không có môi trường tiếp cận các loại gia cầm để bị nhiễm virus. Loài chim yến chỉ bay đi ăn xa, không dừng đậu tại chỗ và chỉ đi theo đàn. Nếu xảy ra dịch A/H5N1 thực sự, khả năng lan tỏa dịch rất lớn, chim sẽ chết theo đàn chứ không chết lẻ tẻ như tại cơ sở Thanh Bình.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM nhận định: Số chim yến chết tại cơ sở Thanh Bình là số chim yến tơ, chim yến còn non chết trong khu vực nhà nuôi. Thực tế chưa thống kê được số chim yến trưởng thành chết trong quá trình đi tìm thức ăn bên ngoài. Do đây là chim hoang dã gây nuôi, do đó đến nay vẫn chưa có kết luận khoa học về thời gian nhiễm và nung bệnh, thể hiện triệu chứng bệnh trên chim yến đối với bệnh cúm gia cầm. Trên thế giới đến nay chưa có quốc gia nào công bố thông tin xảy ra bệnh cúm gia cầm trên chim yến, và đối với Việt Nam chúng ta đây cũng là trường hợp đầu tiên được ghi nhận.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã nghiên cứu và xác định virus cúm A/H5N1 không thể tồn tại trên tế bào khô. Tổ yến là thành phần tế bào khô, do đó loại virus cúm này không thể tồn tại được trên tổ yến. Khi người sử dụng tổ yến đã qua quá trình làm sạch và nấu chín ở nhiệt độ 100 độ C nên mầm bệnh chắc chắn không thể tồn tại gây hại cho người (virus cúm chỉ tồn tại đến 70 độ C).
 
Vấn đề đáng quan tâm
Khi tiếp cận với lãnh đạo Công ty CP Yến Việt, Tổng Giám đốc Đặng Phạm Minh Loan rất bình tĩnh và thiện chí trả lời báo giới. Theo bà Loan, mặc dù đã được chuẩn bị trước về việc tổn thất tài sản, đối với cán bộ công nhân viên của công ty, đặc biệt là những người quản lý nhà chim, việc phải xử lý đàn chim khỏe (hiện nay hầu như không còn chim bệnh trong đàn chim) là một quyết định vô cùng khó khăn và họ đã phải trải qua những cơn sốc tâm lý khá nặng nề. Đây là loài chim quý, mang lại thu nhập và công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân. Đã gắn bó với đàn chim hàng chục năm, mỗi ngày ngắm nhìn chúng bay đi kiếm ăn mỗi sáng sớm và đón chúng bay về mỗi ngày khi chạng vạng tối, đội ngũ nhân viên không ai cầm được nước mắt khi đón nhận quyết định tiêu hủy đàn chim.
 
“Tuy nhiên, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với các cơ quan chức năng về quyết định xử lý đàn chim tại nhà chim Thanh Bình (Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận), mặc dù tình hình chim chết đã chấm dứt và toàn bộ 10 mẫu chim xét nghiệm từ ngày 16/4/2013 đến nay đều cho kết quả âm tính với H5N1. Công ty đã chủ động phối hợp cùng Cơ quan Thú y vùng VI và Chi cục Thú y Ninh Thuận tiến hành các bước cần thiết và làm công tác tiêu độc, khử trùng cho khu vực nhà chim nói trên” – bà Loan khẳng định.
 
Để tìm hiểu kỹ càng thêm, PV Báo BVPL Online đã xuống tận các cơ sở nuôi chim yến tại TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, khu vực xung quanh cơ sở Thanh Bình và chúng tôi phát hiện hầu hết cơ sở này không có chim nhiễm virus A/H5N1, các kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng đều cho kết quả âm tính. “Nếu thực sự có dịch phán tán, chắc chắn vài trăm ngàn chim yến tại khu vực Ninh Thuận đã có thể bị lây nhiễm, số lượng chim chết sẽ tăng chứ không thể giảm như tại cơ sở Thanh Bình” - ông Lê Anh Tuấn, đại diện cơ sở nuôi chim yến tại hẻm 586 đường Thống Nhất, TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận phân tích.
 
Căn cứ vào thực tế hiện nay chưa phát hiện mẫu phân nhiễm virus A/H5N1, các chim yến sống cũng không phát hiện nhiễm virus A/H5N1, dư luận rất mong các cơ quan chức năng tại tỉnh Ninh Thuận kỹ lưỡng kiểm tra lại toàn bộ quy trình xét nghiệm, lấy mẫu, công khai minh bạch kết quả xét nghiệm nhằm đảm bảo tránh rơi vào tình huống “giấu dịch”, nhưng cũng không gây ra thông tin quá sự thật về dịch bệnh.
Cần xác định rõ một số mẫu chim chết nhiễm virus từ đâu mà có ? Quá trình đưa mẫu chim này đi kiểm nghiệm có được niêm phong chặt chẽ hay không ? Không loại trừ những cá nhân có ý định muốn phá hoại hoạt động nuôi chim hợp pháp bằng những biện pháp xấu, vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng. Và nếu thực sự có liên quan đến sự phá hoại hoạt động nuôi chim yến, gián tiếp gây tổn hại đến uy tín thương hiệu cộng đồng doanh nghiệp trên thị trường, thiết nghĩ đã đến lúc cơ quan công an vào cuộc để điều tra xử lý đúng người, đúng tội.
CÁT TRÍ - Báo Pháp Luật Việt Nam

26 tháng 4, 2013

Đối phó nguy cơ dịch A/H5N1 trên yến: Không ai "diệt tất" như ta!

www.yenbiendong.com
Thế giới chưa bao giờ có chim yến bị nhiễm cúm và cũng chưa có một kết luận khoa học rõ ràng về cơ chế lây lan dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến.
 
>> Thấp thỏm chim yến
>> Ninh Thuận công bố dịch cúm H5N1 trên chim yến
Chính vì vậy, việc tiêu hủy chim yến của các cơ quan có thẩm quyền đang khiến người nuôi yến hoang mang.
 
Thông tin chim yến nhiễm cúm làm nhiều người nuôi lo lắng
Lúng túng xử lý
Hiện tại, việc tiêu hủy đàn chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 ở cơ sở Thanh Bình (trên đường Thống Nhất, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) của Công ty CP Yến Việt đã hoàn tất theo yêu cầu của cơ quan thú y. Ít nhất gần một nửa trong tổng số khoảng 100.000 con yến bị tiêu hủy.
Nhiều địa phương chưa phát hiện vi rút H5N1 trên chim yến
TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 30 căn nhà nuôi chim yến. Trước tình hình có khả năng dịch cúm A/H5N1 lây lan, Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng đã thống kê, kiểm tra các nhà nuôi yến và chưa phát hiện trường hợp nào chim yến chết hay bị nhiễm dịch cúm A/H5N1.
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết đàn chim yến đảo Cù Lao Chàm vẫn tồn tại bình thường, không có dấu hiệu nào của dịch và vẫn đang theo dõi.
Từ xưa đến nay, đảo yến Cù Lao Chàm cũng chưa từng xảy ra dịch bệnh gì. Tại TP.HCM, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, chi cục xét nghiệm 9 mẫu chim yến nhưng kết quả đều âm tính với dịch cúm H5N1.
Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức lấy 6 mẫu máu trên đàn chim yến của 2 hộ nuôi ở KP.1 thuộc P.Bửu Long, TP.Biên Hòa để xét nghiệm, đều cho kết quả âm tính (không bị nhiễm cúm).
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa thừa nhận: “Cả Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh đến nay cũng hết sức lúng túng trong việc xử lý đàn chim yến vì cả thế giới lần đầu tiên có trường hợp này. Bộ đề nghị tiêu hủy toàn bộ nhưng tỉnh đã có văn bản đề nghị nên xử lý sàng lọc theo 3 bước, cụ thể ban ngày khi chim bay đi thì xử lý toàn bộ chim non, chim đang ấp rồi tiêu độc khử trùng. Sau đó tiếp tục sàng lọc con yếu. Tiếp theo là xét nghiệm vi rút H5N1 trên đàn chim yến còn lại liên tục 7 ngày, âm tính thì cho tồn tại, dương tính thì xử lý. Tín hiệu đáng mừng là đến nay tỷ lệ chim chết đang giảm dần, đến ngày (21/4) thì không còn chết nữa, con non, con bệnh cũng đã tiêu hủy hết rồi, nhưng biện pháp chống dịch một cách khoa học thì đến nay vẫn chưa có gì cụ thể”.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan thú y Vùng 6, cho biết: “Đây là lần đầu tiên xảy ra dịch trên chim yến nên cần phải vừa xử lý vừa giám sát, vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt diệt sạch mầm bệnh trong nhà nuôi, tiếp đó theo dõi chặt chẽ, xét nghiệm tiếp tục đối với đàn yến trưởng thành có vẻ bề ngoài khỏe mạnh, sau đó tính tiếp việc xử lý đối với chúng. Cơ quan thú y Vùng 6 tạm chấp nhận phương án xử lý này vì qua giám sát nhiều ngày cho thấy chim yến khó lây bệnh lẫn nhau vì kiếm ăn đơn độc và chỉ cặp tối đa một chim khác khi về tổ, tỷ lệ chim yến sống mắc vi rút H5N1 không nhiều qua các xét nghiệm và có thể đó là mẫu lấy từ các chim yến yếu...”.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, phát biểu: “Quan điểm của cơ quan thú y TP.HCM khi phát hiện đàn chim yến nuôi có nhiễm vi rút cúm H5N1 thì sẽ xử lý nhanh gọn, không để phát tán dịch bệnh”.
"Không ai làm như ta là diệt tất"
Đó là khẳng định của TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học (ĐH Cần Thơ). TS Ni phân tích: “Nhìn lại dịch cúm gia cầm những năm trước đây, chúng ta rất hốt hoảng. Trong khi Thủ tướng Thái Lan lên truyền hình ăn gà rán để trấn an người dân thì chúng ta lại tiến hành tiêu hủy hàng loạt từ các loại gia cầm, thủy cầm, chim nuôi, chim tự nhiên. Người ta hiểu được sâu xa của cơ chế lây lan, từ đó họ đi giải quyết các ổ dịch đúng hướng nên ngành chăn nuôi gia cầm của họ không bị sụp đổ. Cũng bị cúm, nhưng mình lại làm theo một cách hoàn toàn khác là phát hiện ổ dịch thì khoanh bán kính là mấy cây số rồi tiêu hủy hết, có những chuồng trại không bị dịch cũng tiêu hủy luôn. Trở lại vấn đề chim yến hiện nay ở Việt Nam, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu cụ thể, phải biết chính xác rồi mới quyết định. Tôi tin là không có ai làm như cách mà chúng ta đã từng làm và đang làm là diệt tất tần tật như vậy cả”.
Ở góc độ người nuôi, anh Phạm Ngọc Thanh - một người nuôi yến ở Q.9 (TP.HCM), bộc bạch: "Tôi rất ngạc nhiên trước thông tin chim yến bị nhiễm cúm H5N1 và việc tiêu hủy đàn yến một cách vội vàng như vậy là rất đáng tiếc, gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế cũng như thương hiệu yến Việt Nam".
Việc tiêu diệt đàn chim yến đang khiến những người nuôi loài chim này hoang mang. Ông Nguyễn Văn Lãng, chuyên gia trong nghề nuôi chim yến, nói: “Việc tận diệt đàn yến nuôi nếu nhiễm vi rút H5N1 là giải pháp không căn cơ và thiếu cơ sở khoa học. Khả năng lây bệnh của đàn yến đến nay chưa có cơ sở khoa học nào xác định. Nhưng ngay cả khi đặt giả thiết đàn yến có thể gây lây lan dịch bệnh thì liệu biện pháp diệt đàn yến nuôi có ngăn được dịch không khi mà chim yến bay vô định khắp nơi? Thông tin lây lan dịch bệnh trên đàn yến nuôi chưa rõ ràng, khả năng truyền bệnh cũng chưa có một cơ sở khoa học nào kết luận, do đó biện pháp tiêu hủy đàn yến là quá máy móc và vội vàng”.
Không nên vội vàng
PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu - nguyên Trưởng phòng Công nghệ tế bào sinh vật - Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ VN) nói: “Theo kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm của tôi về loài chim yến, tỷ lệ chim chết và hao hụt lúc nào cũng có, đặc biệt chim con rất dễ chết với nhiều lý do khác nhau, trung bình tỷ lệ hao hụt khoảng 10-15%. Đối với việc xử lý đàn chim yến nuôi trước dịch cúm gia cầm, quan điểm của tôi là cần phải có cơ quan chức năng xét nghiệm và công bố chính xác để làm cơ sở cho địa phương đưa ra các biện pháp xử lý. Quy trình lấy mẫu cần làm rõ ràng và nghiêm túc, cụ thể cần phải có mẫu lưu được niêm phong, có đầy đủ chữ ký của người nuôi để đối chiếu phòng khi xảy ra khiếu nại. Người nuôi chim yến hiện nay đầu tư rất lớn trong khi nguồn thu thì không ổn định, nhiều người chưa có lợi nhuận gì, do đó việc xử lý đàn chim yến trước dịch cúm A/H5N1 không thể vội vàng, cần phải thận trọng và hết sức khách quan để hạn chế thiệt hại cho người nuôi chim yến”.
Theo một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, phụ trách lĩnh vực y tế dự phòng, dịch bệnh tại TP.HCM (xin giấu tên): “Cúm A/H5N1 trên chim yến là khía cạnh còn rất mới bởi vì chim yến thuộc loại động vật hoang dã bay ngoài trời, không phải gia cầm được nuôi nhốt tại chỗ, làm sao quản lý và thực hiện tiêm ngừa cho chim như gia cầm nuôi được? Ngay cả cơ quan thú y trong nước cũng còn lúng túng trong việc xử lý khi có thông tin chim yến nhiễm vi rút cúm A/H5N1. Do vậy, việc các cơ quan chức năng đưa ra biện pháp xử lý cần phải hết sức cân nhắc. Ngay cả việc nếu hủy chim thì tính toán đền bù cho người nuôi thế nào cho hợp lý..."
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “Thông tin chim yến nhiễm cúm A phải nói là còn mới mẻ quá. Do vậy, chúng ta cần cân nhắc trong việc xử lý, để làm sao phòng tránh được bệnh mà cũng không gây thiệt hại quá nhiều cho doanh nghiệp trong lúc tình hình kinh tế đang khó khăn. Hiện ở TP.HCM chưa phát hiện trường hợp chim yến nhiễm cúm A/H5N1”.
Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn - 26/04/2013 09:23

25 tháng 4, 2013

Ninh Thuận: Nhiều “khuất tất” xung quanh việc công bố dịch yến

Chưa đầy 1 tuần lễ sau sự kiện tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm A/H5N1 tại cơ sở Thanh Bình (số 592 đường Thống Nhất, TP.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) của Công ty CP Yến Việt, thị trường yến sào trong nước đã gặp nhiều rúng động. Hầu như tất cả giao dịch mua bán yến sào đều ngưng trệ, người nuôi chim yến lo lắng, người tiêu dùng hoang mang và các doanh nghiệp nước ngoài đang nhập khẩu mặt hàng yến sào từ Việt Nam cũng chờ đợi thông tin chính thức. PV Báo Nhà báo và Công luận đã tiến hành điều tra thực tế sự việc đang diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận, phát hiện nhiều yếu tố “bất ngờ” và sự thiếu minh bạch xung quanh câu chuyện dịch cúm trên chim yến.
 
Công bố dịch dựa trên kết quả xét nghiệm “mờ mịt” ???
Truy tìm thông tin từ các trang web quốc tế và nguồn dữ liệu do một số nhà khoa học sinh học Việt Nam cung cấp, đến thời điểm hiện nay, việc phát hiện chim yến tại Ninh Thuận có nhiễm virus cúm A/H5N1 là trường hợp đầu tiên trên thế giới. Thông tin này trở nên “nóng sốt” bởi lẽ mọi người lo lắng và việc công bố dịch chính thức từ cơ quan quản lý Nhà nước. Vấn đề là khi tìm hiểu kỹ lại thông tin, chúng tôi phát hiện ra khá nhiều chi tiết đáng để cộng đồng lưu tâm.
Các kết quả xét nghiệm âm tính (không nhiễm virus) từ chim yến tại cơ sở Thanh Bình.
Thứ nhất, cho đến thời điểm hiện nay, ngay chính doanh nghiệp là Công ty CP Yến Việt (đơn vị chủ quản cơ sở nuôi chim yến Thanh Bình) không hề có trong tay các văn bản pháp lý kiểm nghiệm chim yến nhiễm virus cúm A/H5N1, tất cả thông tin chim yến nhiễm bệnh đều được thông tin “miệng” từ các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Ninh Thuận. Trong khi, theo PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật - Viện Sinh học Nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) phân tích: “Quy trình kiểm nghiệm và công bố dịch trên chim yến phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính chính xác. Các kết quả kiểm nghiệm phải được ký ban hành bởi cơ quan có chức năng, thẩm quyền xét nghiệm, đầy đủ thông số khoa học và biện pháp thực hiện xét nghiệm. Đặc biệt, các mẫu chim yến được kiểm phải được các bên ký xác nhận niêm phong mẫu vật. Không thể công bố dịch dựa trên các quy trình thiếu chặt chẽ, nguồn mẫu xét nghiệm chưa rõ ràng”.
Trả lời về thông tin liên quan đến các kết quả xét nghiệm, bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám Đốc Công ty CP Yến Việt khẳng định: Nhà chim Thanh Bình là một trong những tài sản lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý đàn chim sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi rất tin tưởng vào cơ quan chức năng tại tỉnh Ninh Thuận, nhất trí với các quyết định xử lý đàn chim tại nhà chim Thanh Bình”. Tuy nhiên, khi PV cần xem các Biên Bản lấy mẫu vật kiểm nghiệm, Phiếu kết quả kiểm nghiệm và các văn bản pháp lý của cơ quan chức năng, thì đại diện Công ty CP Yến Việt thành thật chia sẻ: “Đến nay Công ty chỉ được nghe công bố thông tin trong các buổi họp. Chúng em hoàn toàn không có văn bản pháp lý nào để cung cấp cho báo chí vì các cơ quan chức năng đang lưu giữ”. Hiện tại, được biết phía Công ty CP Yến Việt chỉ lưu giữ các Phiếu trả lời Kết quả xét nghiệm xác định chim yến “âm tính” với virus A/H5N1 (không nhiễm bệnh - PV) từ Phân Viện Thú y Miền Trung và Cơ quan Thú y Vùng 6.
Các nhà yến lân cận không phát hiện nhiễm bệnh
Một điểm đáng lưu ý là khi PV Báo NB&CL xâm nhập khu vực đường Thống Nhất, phường Đạo Long, TP.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận để tìm hiểu các nhà nuôi chim yến lân cận cơ sở Thanh Bình thì nhận được thông tin khả quan: Các cơ quan chức năng đã nhiều lần tiến hành lấy mẫu tại các nhà yến khác và kết quả xét nghiệm đều không phát hiện chim yến nhiễm virus A/H5N1. Theo anh Lê Anh Tuấn, một hộ nuôi yến tại hẻm 586 đường Thống Nhất cho biết: Mình bức xúc lắm vì mình thấp cổ bé họng nên không dám nói. Cơ quan chức năng người ta làm, mình là dân thường thì mình đâu dám nói. Nếu là dịch bệnh thực sự thì chắc cả khu vực xóm này đã bị lây nhiễm rồi bởi vì xung quanh đây rất nhiều nhà nuôi chim yến sát nhau. Hiện tại, xung quanh không có chết con chim nào cả, chính quyền ở đây cũng đến kiểm tra tại nhiều cơ sở và hầu hết đều không có chim chết.
 
Ông Văn Công Đồng, cư dân ngụ tại nhà 590 Thống Nhất, TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận 
– 
liền kề cơ sở nuôi chim yến Thanh Bình.
Đại diện gia đình khác, hộ nuôi chim yến tại số 586/2 Thống Nhất khẳng định: Trước đây khi chưa có thông báo dịch xảy ra thì lác đác cũng có chim chết trên mái nhà, đây là việc hoàn toàn bình thường vì đàn chim hàng trăm ngàn con cũng phải có con già, con bệnh, con chết. Riêng sự việc lần này, Cơ quan Thú y Vùng 6 đã kiểm tra nhiều hộ nuôi chim yến lân cận cơ sở Thanh Bình nhưng không hề phát hiện chim nào bị nhiễm bệnh. Ông Tín Nghĩa, Chủ cơ sở Tín Nghĩa chuyên về thiết bị nhà chim yến (số 412 Thống Nhất, TP. Phan Rang) khẳng định: Trong rất nhiều năm làm nghề tư vấn kỹ thuật lắp đặt, xây dựng nhà nuôi chim yến thì đây là lần đầu tiên tôi nghe thông tin chim yến nhiễm virus cúm A/H5N1, tôi hơi ngạc nhiên và chưa thuyết phục trước thông tin này.
Đặc biệt, ông Văn Công Đồng, 87 tuổi, ngụ tại số nhà 590 Thống Nhất, giáp cạnh cơ sở Thanh Bình khẳng định: Trong suốt thời gian qua, trên mái nhà ông không hề có xác chim yến chết. Mọi sinh hoạt của gia đình ông diễn ra bình thường cho đến thời điểm nghe công bố dịch. “Chỉ tội nhất là người ta giết rất nhiều chim yến, bỏ vào trong các bao lớn và đem đi tiêu hủy, trông thật đau đớn” - ông Đồng buồn chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng 6 khẳng định: Chúng tôi đã làm đúng trách nhiệm về xét nghiệm mẫu chim nhiễm bệnh khi mang về đến Cơ quan Thú y Vùng 6. Tuy nhiên, ông Bình cũng chia sẻ, thực tế việc phát hiện chim yến nhiễm virus A/H5N1 là quá mới. Khi PV đặt câu hỏi về việc có khả năng nào “gây bệnh nhân tạo” cho chim yến nhiễm virus A/H5N1 hay không, thì ông Bình chia sẻ: Về mặt thực tiễn, khả năng gây bệnh nhân tạo cho chim yến nhiễm virus là có thể. Trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy thực nghiệm, người ta vẫn thường tạo ra các chủng bệnh lý nhằm giúp sinh viên, người nghiên cứu khoa học triển khai xử lý thực nghiệm. Đồng quan điểm với ông Bình, PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu bức xúc: Với kinh nghiệm hơn hàng chục năm nghiên cứu chuyên về chim yến, tôi nghi ngờ khả năng chim yến nhiễm virus A/H5N1. Đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiêm túc kiểm tra kỹ quy trình lấy mẫu, xét nghiệm, đảm bảo tính khách quan, chính xác và trung thực. Mỗi thông tin công bố liên quan đến dịch bệnh cần phải được thận trọng xem xét kỹ lưỡng trên mọi phương diện, kể cả thực tế nếu có phát hiện và thấy một vài mẫu chim chết nhiễm virus A/H5N1 thì cũng phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi vội vàng công bố dịch bệnh.
Phát hiện tranh chấp nội bộ tại Công ty CP Yến Việt
Trong quá trình điều tra thông tin về diễn biến xảy ra tại các nhà nuôi chim yến tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi phát hiện “tình tiết” mới xung quanh quá trình quản lý điều hành Công ty CP Yến Việt. Cụ thể, Công ty trước đây được sáng lập và điều hành bởi ông Võ Thái Lâm, tuy nhiên những năm gần đây, do quản lý yếu kém và vi phạm một số nguyên tắc về tài chính, ông Lâm đã không còn nắm quyền kiểm soát và điều hành Công ty. Đại diện Quỹ Đầu tư Vinacapital và các cổ đông khác hiện giữ cổ phần chi phối (tỷ lệ 67%) tại doanh nghiệp này. Tuy vẫn giữ một số cổ phần ít hơn tại Công ty CP Yến Việt, song ông Võ Thái Lâm lại “xuất hiện” trên thị trường với tư cách đại diện Công ty TNHH Yến Sào Thăng Long (Dragonnest) - một doanh nghiệp đang cạnh tranh trực tiếp với Công ty CP Yến Việt.
Ngoài ra, rất nhiều chi tiết đáng chú ý khác như thời điểm phát hiện ra chim yến chết hàng loạt tại cơ sở Thanh Bình cũng là thời điểm ông Võ Thái Lâm ra vào khu vực nhà nuôi chim yến. “Chính ông Lâm và người thân đã tự lấy mẫu chim yến chết đi kiểm nghiệm và không trả kết quả xét nghiệm về công ty. Thực tế là đến thời điểm hiện nay, tất cả mẫu chim sống, mẫu phân được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm kỹ lưỡng đều cho kết quả âm tính, không phát hiện virus A/H5N1. Các mẫu chim từ sau khi công bố có dịch, sau khi Công ty không cho phép ông Lâm vào nhà yến cũng không nhiễm bệnh” - đại diện Công ty CP Yến Việt chia sẻ.
Theo ông Lê Danh Hoàng, chủ một doanh nghiệp chuyên nuôi chim yến tại TPHCM, khẳng định: Trong trường hợp có dịch bệnh, chắc chắn các mẫu phân chim cũng nhiễm virus. Nếu chỉ có một số con chim chết nhiễm bệnh (chim sống không nhiễm bệnh), mà việc kiểm soát quy trình xét nghiệm dịch bệnh chưa chặt chẽ thì mọi người có quyền nghi ngờ tính xác thực của chim nhiễm bệnh. “Hiện nay, có rất nhiều cách tạo ra cái chết hàng loạt của chim yến. Rất mong cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, kể cả việc đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra có hay không khả năng phá hoại, cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau. Đây là sự việc nghiêm trọng vì nó liên quan đến cả ngành công nghiệp nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến, đảm bảo thương hiệu yến sào Việt Nam trên thị trường thế giới” - ông Danh Hoàng phân tích.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin liên quan đến sự việc này và cung cấp cho bạn đọc trong các bài viết sắp tới.

TƯỜNG MINH - Nguồn: Báo Nhà báo và công luận
Tổ chim yến (yến sào) miễn nhiễm với virus A/H5N1
Hiện nay trên thế giới, do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, sản phẩm yến sào Việt Nam đang được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Yến sào cũng hoàn toàn miễn nhiễm với virus A/H5N1. Trên thương trường, sản phẩm yến sào từ nước ta luôn có giá thành cao hơn sản phẩm cùng loại tại các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... Hàng năm, doanh nghiệp Việt đã tiến hành xuất khẩu mặt hàng yến sào ra hàng loạt quốc gia trên thế giới, góp phần thu nhiều ngoại tệ và nộp ngân sách Nhà nước. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần bảo vệ uy tín thương hiệu yến sào Việt Nam và xử lý đúng mực trong công tác phòng chống dịch bệnh.

15 tháng 4, 2013

Chim yến nhiễm H5N1: Nếu kết luận vội vã sẽ thiệt hại rất lớn

PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng công nghệ sinh học động vật, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã chia sẻ với TBKTSG Online từ góc nhìn của nhà khoa học về vấn đề này.
 
(TBKTSG Online) - Trước thông tin đàn chim yến nuôi trong nhà tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, bị phát hiện chết hàng loạt (gần 5.000 con), trong đó có một số mẫu xét nghiệm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1, những ngày gần đây đã dấy lên làn sóng lo lắng cho hàng ngàn hộ nuôi chim yến trên cả nước.
PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng công nghệ sinh học động vật, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã chia sẻ với TBKTSG Online từ góc nhìn của nhà khoa học về vấn đề này.
TBKTSG Online:  Là nhà khoa học có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu chim yến nuôi, bà có suy nghĩ gì trước thông tin một số doanh nghiệp và hộ nuôi chim yến tại Phan Rang phát hiện đàn chim yến bị nhiễm cúm gia cầm H5N1 với kết quả xét nghiệm dương tính?
- PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu: Từ năm 2004, Việt Nam bắt đầu phát triển nuôi chim yến, và đến nay đã trở thành một nghề với hàng ngàn hộ nuôi chim. Nhờ vậy mà sản lượng yến tăng hơn gấp đôi so với trước đây chỉ dựa vào khai thác yến đảo. Dự tính hiện nay có thể đạt được khoảng 10 tấn tổ yến nuôi và tổ yến đảo/năm.
Nghề nuôi chim đang trên đà phát triển, nhiều gia đình đã đầu tư vài trăm triệu cho đến vài tỉ đồng, cho nên khi đề cập đến bệnh tật của chim yến thì đó là một vấn đề nhạy cảm, cần hết sức chú ý.
Nếu khẳng định đàn chim ở Ninh Thuận chết vì H5N1, thì đó là một vấn đề lớn cho cả vùng, có thể có ảnh hưởng không nhỏ đến nghề này. Vì vậy, để có đầy đủ thông tin nên đồng thời xét nghiệm mẫu tại một số phòng thí nghiệm và trên nhiều vật phẩm khác nhau.
Khi phát hiện có hiện tượng chim yến chết hàng loạt, ngoài kiểm tra mầm bệnh còn cần phải xem xét thêm đến môi trường, môi trường tự nhiên và môi trường trong nhà yến.
Tháng 3-2013, nhiệt độ không khí ở miền Trung lên đến 38-39 độ C, khô hạn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, chim yến lại rất cần nước ngọt mỗi buổi chiều, có thể uống phải nguồn nước xấu có độc tố. Thức ăn cho chim cũng không đủ vì côn trùng cũng cần có mưa mới sinh sôi nẩy nở, phải đi xa để uống nước và kiếm ăn, chim phải tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó môi trường nhà yến có thể rất xấu như không thông thoáng, không tiến hành vệ sinh, phân chim tích tụ quá nhiều, sự phân hủy các chất thải này sẽ tỏa nhiệt làm nhiệt độ trong nhà yến có thể còn cao hơn nhiệt độ bên ngoài, có thể lên đến 40-41 độ C, đạt đến ngưỡng nhiệt độ gây chết của loài chim này.
Các chất thải nhiều còn làm các yếu tố độc hại khác như CO2, H2S, Amoniac tăng cao, Oxy giảm thấp. Có một thí dụ nêu ra để tham khảo, vào năm 1999, sản lượng yến sào ở một tỉnh miền Trung giảm 20% và tiếp theo năm 2000 giảm 60%. Đó là những năm nhiệt độ không khí tăng cao đột ngột, mặc dầu khó tìm thấy xác chim chết của đàn chim sống ở đảo, nhưng qua số lượng tổ đã thấy một số lượng không nhỏ chim không làm tổ nơi đây.
Khi thấy hiện tượng chim chết hàng loạt, theo tôi cần lấy mẫu chim, xem xét và lưu lại các tư liệu thức ăn trong dạ dày, ruột, lông, phổi, thịt chim và nhiều mẫu khác để có các phân tích sinh học tiếp theo.
Liệu có khả năng từ một vài con chim yến xét nghiệm với kết quả dương tính cúm A/H5N1 sẽ lây lan ra cả bầy đàn và vùng nuôi chim?
- Vì đây là vấn đề mới nên tôi chưa có đủ tư liệu để phát biểu về vấn đề lây lan. Trước mắt, đối với các nhà yến đông chim, vận hành 2-3 năm cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, hàng tuần cần hốt hết phân, mở các lỗ thông gió, để không khí nóng thoát ra ngoài, thường xuyên khống chế nhiệt độ đúng chuẩn yêu cầu, theo dõi các hiện tượng và sự biến động của đàn chim. Có camera theo dõi trên sàn nhà xem có xuất hiện chim chết không, phát hiện hiện tượng yếu và chết của chim, từ từ từng cá thể hay đồng loạt cả đàn sau khi đi ăn về...
Có thể tham khảo những triệu chứng thường gặp khi gia cầm bị cúm như: chết đột ngột, chết hàng loạt hoặc có biểu hiện một số triệu chứng khi kiểm tra như chim chết thấy chảy nước mắt, nước dãi, mổ ruột không có thức ăn, xuất huyết ở những chỗ da không có lông. Đặc biệt là chân; khi còn sống chim đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống, khó thở, ỉa chảy, các biểu hiện thần kinh như quay vòng, nghẹo cổ. Khi phát hiện các hiện tượng này cần có biện pháp xử lý ngay lập tức.
Tôi muốn nhắc lại là cần phải thu thập tư liệu và làm thêm một số xét nghiệm khác có tính chất tổng hợp hơn về môi trường trong và ngoài nhà yến ở khu vực nuôi Phan Rang trong khoảng thời gian đó, để có một cái nhìn tổng thể, khách quan, và có những hướng dẫn cụ thể để giàm bớt ảnh hưởng của vấn đề này đến nghề nuôi yến nói chung.
Người tiêu dùng hiện rất lo lắng về chất lượng của tổ yến nuôi sẽ bị suy giảm giá trị dinh dưỡng một khi chim yến bị nhiễm cúm gia cầm?
- Trong năm 2010 đã có những công bố hàm lượng protit trong yến nuôi ở các vùng khác nhau của Malaysia có giá trị dinh dưỡng khác nhau, nghĩa là chất lượng tổ yến phụ thuộc khá rõ vào vùng và mùa có nhiều hay ít thức ăn thiên nhiên. Tất nhiên trong những năm nắng nóng chim yến khó kiếm thức ăn thì tổ yến sẽ nhỏ và kém giá trị hơn. Tổ yến nuôi ở các nhà yến không có chim bệnh thì không bị giảm giá trị.
Bà có thông tin gì về các nước trong khu vực phát triển nghề nuôi chim yến trước chúng ta từ 10-20 năm?
- Tổng sản lượng yến trên thế giới hiện nay lên đến hơn 3.700 tấn/năm, doanh thu thương mại tổ yến năm 2010 đạt khoảng 6 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay Indonesia đang sản xuất 70% sản lượng tổ yến trên toàn thế giới, khoảng 2.000 tấn/năm, với tổng lượng đàn chim khoảng 80 triệu con, Malaysia sản xuất được khoảng 275 tấn/năm, đàn yến cũng có khoảng 10 triệu con chim, trong khi đó sản lượng tổ yến đảo và tổ yến nuôi tại Việt Nam chỉ tầm 10 tấn/năm.
Kể từ khi có bệnh cúm gia cầm đến nay, để bảo vệ nghề nuôi yến và con người, cơ quan thú y tại các nước trong khu vực Đông Nam Á có liên quan đến nghề nuôi chim yến hàng quí, hàng năm đều tiến hành kiểm tra giám sát thường xuyên, lấy phân và vật phẩm trên đối tượng yến để xét nghiệm mẫu, nhận thấy không có kết quả dương tính với bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, để phòng bệnh họ cũng đặt ra các quy định khá chặt chẽ về vùng phát triển nuôi yến và các tiêu chuẩn vệ sinh nhà yến...
Suốt từ tháng 3, tháng 4-2013, tôi theo dõi liên tục các thông tin ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan… thì cho đến nay chưa có tư liệu nào nói rằng chim yến tại các nước này bị nhiễm bệnh cúm A/H5N1. Hầu hết đều nói chim yến là loài chim suốt ngày bay trong không trung để kiếm mồi, do chân yếu ớt không bao giờ đậu, ngoại trừ những nơi làm tổ, vào thời gian chim nghỉ ngơi ấp trứng.
Chim yến không chia sẻ không gian bay hoặc làm tổ với các loài chim khác, là một loài sống khá cô lập với các đối tượng khác, cơ hội tiếp xúc với nguồn bệnh rất ít, ngoại trừ nguồn nước. Nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm, cảm nhiễm H5N1 từ chim yến ở các nước nêu trên là rất nhỏ.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, một khi Việt Nam đã công bố đàn chim yến nhiễm bệnh H5N1 thì phải trải qua các bước xét nghiệm mẫu từ nhiều đơn vị khác nhau ở trong và ngoài nước để có kết quả chính xác và khách quan nhất. Trong trường hợp chúng ta thông tin một cách vội vã, thiếu sự thận trọng, thiếu sự phối hợp giữa các cấp ban ngành thì sự tác hại về kinh tế trong lĩnh vực này rất lớn.
 Các bước phòng cúm gia cầm H5N1 trên đối tượng chim yến   
Chim yến làm tổ trong nhà. Ảnh: Uyên Viễn
Theo PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút H5N1 gây ra. Nó nguy hiểm vì có thể làm cho gia cầm chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim nuôi, chim hoang dã... đều có thể mắc bệnh.
Cúm gia cầm có thể lây sang người và một số loài thú và gây tử vong cho người. Vi rút có thể sống trong phân, nước, đất... từ hai đến bốn tuần.  Vi rút chỉ chết ở 70 độ C trở lên, có thể sống trong nhiệt độ lạnh (tủ lạnh, tủ đá) hàng tháng.
Sự lây nhiễm cúm qua hai con đường: Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh. Lây gián tiếp qua tiếp xúc trực tiếp với phân, lông... bị nhiễm vi rút. Chim hoang dã và vịt gà bị nhiễm vi rút cúm có thể truyền vi rút sang chim yến thông qua lông, phân, xác chết... của chúng rơi xuống ao, hồ, nguồn nước mà chim yến uống.
Để bảo vệ an toàn đàn chim phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang các nhà yến khác, trước mắt cần thực hành những thói quen tốt sau đây:
1. Khi có chim yến bị chết ở khu vực nuôi, cần đeo khẩu trang và găng tay để cho chim vào túi nilon, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với chim chết đồng thời báo cho cán bộ thú y biết.
2. Rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, thay quần áo sau khi ra khỏi nhà yến. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với chim.
3. Hàng ngày vệ sinh nhà yến và khu vực nuôi có chim bệnh (quét dọn phân, lông, chất thải...), sau đó đem đốt hoặc chôn. Hàng tuần rửa sạch và khử trùng dụng cụ chăn nuôi.
4. Vệ sinh sạch sẽ giầy, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi ra khỏi nơi nuôi chim. Khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, Chloramin B...
Ngoài ra, để nuôi dưỡng chim tốt hơn nhà đầu tư cần nuôi thêm côn trùng cho chim, làm máng phun nước trong khu vực nuôi y để chim uống.
Uyên Viễn thực hiện Chủ Nhật,  14/4/2013, 17:07 (GMT+7)
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/94626/Chim-yen-nhiem-H5N1-Neu-ket-luan-voi-va-se-thiet-hai-rat-lon.html

11 tháng 4, 2013

Yến chết hàng loạt ở Ninh Thuận có thể do thời tiết.

Chiều 10.4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận có buổi họp triển khai phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Báo cáo về tình hình yến nuôi bị chết, Chi cục Thú y Ninh Thuận cho biết hiện trên địa bàn TP.Phan Rang - Tháp Chàm có 54 cơ sở nuôi yến trong nhà.
Qua khảo sát chỉ phát hiện cơ sở nuôi yến tại rạp hát Thanh Bình, đường Thống Nhất có hơn 4.000 con (chủ yếu yến con từ 2-3 tháng tuổi) bị chết từ cuối tháng 3 đến nay.
Khi phát hiện yến chết, đơn vị đã lấy hai mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1.
Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục giám sát lấy mẫu bệnh phẩm tại cơ sở này và một số nhà yến lân cận (chỉ cách nhà yến này vài chục mét) đi xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính. Cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân yến chết có thể là do thời tiết nắng nóng, tổng đàn ngôi nhà yến này tăng nhanh (hơn 100.000 con) và thiếu thức ăn.
Giải thích về nguyên nhân các mẫu yến có nhiễm cúm A/H5N1, ông Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho rằng virus cúm A/H5N1 luôn tồn tại trong môi trường.
Những tác động về thời tiết nắng nóng, thiếu thức ăn làm một số chim yến non mất sức đề khánh nên bị virus cúm A/H5N1 nhiễm vào.
Sau khi phát hiện, ngành chức năng đã hướng dẫn cơ sở này thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh phòng dịch… tạo môi trường thông thoáng trong nhà yến.
Do vậy, số lượng yến chết đã giảm đáng kể, trong hai ngày gần đây nhất (8-9.4) chỉ có 7 con bị chết.
Tại buổi họp, ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tượng yến chết trong những ngày qua là do thời tiết và khẳng định đây không phải là dịch cúm gia cầm.
Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị Chi cục Thú y theo dõi, giám sát, tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm cơ sở này đi xét nghiệm; đồng thời tổ chức tuyên truyền vận động các cơ sở nuôi yến trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để ngành chức năng thực hiện giám sát dịch bệnh đến ngày 15.4.
Nguồn: báo Giáo dục

8 tháng 1, 2013

Những lưu ý khi sử dụng tổ yến

Yến sào, từ xưa tới nay vẫn được coi là món ăn bổ dưỡng và quý giá. Tuy nhiên trong quá trình chế biến, rất có thể Quý Khách đã vô tình làm mất đi một số chất, hoặc dùng không đúng phương pháp, khiến cho cơ thể không hấp thụ được tối đa dưỡng chất từ yến.
 
Những lưu ý khi dùng yến sào:
Sơ chế: Đầu tiên ngâm nở tổ yến trong nước lạnh trong khoảng thời gian 2giờ (nếu thấy yến tơi ra là được). Khi ngâm cần lưu ý nước phải ngập tổ yến để tổ yến hút đủ lượng nước cần thiết. Sau đó cho yến vào ray, đặt ray vào tô nước dùng muỗng khuấy nhẹ đồng thời nhấc lên nhấc xuống (làm sạch)
Chế biến: Cách nấu yến tốt nhất là chưng cách thủy, sẽ giữ được các chất của tổ yến. Dù bạn có chế biến món gì, cũng nên chưng cách thủy tổ yến riêng, rồi mới trộn vào các món là tốt nhất.
Ăn yến thường xuyên mới có tác dụng bồi bổ tốt nhất. Nên ăn hàng ngày hoặc cách ngày đều đặn một lượng yến nhỏ thay vì thỉnh thoảng mới ăn một lượng yến lớn.
Ăn yến tốt nhất là buổi tối trước khi đi ngủ. Vì buổi tối, khi ngủ được khoảng 1 giờ thì nồng độ chất nội tiết tố tăng trưởng rất cao, khi đó nếu có nhiều nguyên liệu do thức ăn cung cấp sẽ làm cho cơ thể tận dụng tốt nhất để phát triển.
Ai nên thận trọng khi dùng yến: Bà mẹ mang thai dưới 3 tháng, em bé sơ sinh không nên dùng yến sào. Khi dùng cho các em bé, nên thử từ từ. Ngoài ra, theo đông y người có thể trạng đàm thấp, béo mập, da mét, tay chân lạnh, cao huyết áp, thống phong, thường bị đầy bụng, tiêu chảy, lạnh bụng… không nên dùng yến sào.
Nguồn: www.yenbiendong.com