--------------------- Tư vấn - Thiết kế - Lắp đặt và chuyển giao công nghệ nuôi Chim Yến trong nhà --------------------
VPMN: 35 đường số 10, KP4, P.HBC, Q.Thủ Đức,TP.HCM ----- VPMT: 313 Lê Thanh Nghị,Q.Hải Châu, Đà Nẵng
Tel: 0511.6255.417 - 6255.418 - Fax: 0511.6255.418 *Hotline: 0917.44.65.30 *Email:Phanhungthinhdn@gmail.com

26 tháng 4, 2013

Đối phó nguy cơ dịch A/H5N1 trên yến: Không ai "diệt tất" như ta!

www.yenbiendong.com
Thế giới chưa bao giờ có chim yến bị nhiễm cúm và cũng chưa có một kết luận khoa học rõ ràng về cơ chế lây lan dịch cúm A/H5N1 trên đàn chim yến.
 
>> Thấp thỏm chim yến
>> Ninh Thuận công bố dịch cúm H5N1 trên chim yến
Chính vì vậy, việc tiêu hủy chim yến của các cơ quan có thẩm quyền đang khiến người nuôi yến hoang mang.
 
Thông tin chim yến nhiễm cúm làm nhiều người nuôi lo lắng
Lúng túng xử lý
Hiện tại, việc tiêu hủy đàn chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 ở cơ sở Thanh Bình (trên đường Thống Nhất, TP.Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) của Công ty CP Yến Việt đã hoàn tất theo yêu cầu của cơ quan thú y. Ít nhất gần một nửa trong tổng số khoảng 100.000 con yến bị tiêu hủy.
Nhiều địa phương chưa phát hiện vi rút H5N1 trên chim yến
TP. Đà Nẵng hiện có khoảng 30 căn nhà nuôi chim yến. Trước tình hình có khả năng dịch cúm A/H5N1 lây lan, Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng đã thống kê, kiểm tra các nhà nuôi yến và chưa phát hiện trường hợp nào chim yến chết hay bị nhiễm dịch cúm A/H5N1.
Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP.Hội An (Quảng Nam), cho biết đàn chim yến đảo Cù Lao Chàm vẫn tồn tại bình thường, không có dấu hiệu nào của dịch và vẫn đang theo dõi.
Từ xưa đến nay, đảo yến Cù Lao Chàm cũng chưa từng xảy ra dịch bệnh gì. Tại TP.HCM, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP, cho biết: Từ đầu năm 2013 đến nay, chi cục xét nghiệm 9 mẫu chim yến nhưng kết quả đều âm tính với dịch cúm H5N1.
Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cũng đã tổ chức lấy 6 mẫu máu trên đàn chim yến của 2 hộ nuôi ở KP.1 thuộc P.Bửu Long, TP.Biên Hòa để xét nghiệm, đều cho kết quả âm tính (không bị nhiễm cúm).
Tuy nhiên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa thừa nhận: “Cả Bộ NN-PTNT và lãnh đạo UBND tỉnh đến nay cũng hết sức lúng túng trong việc xử lý đàn chim yến vì cả thế giới lần đầu tiên có trường hợp này. Bộ đề nghị tiêu hủy toàn bộ nhưng tỉnh đã có văn bản đề nghị nên xử lý sàng lọc theo 3 bước, cụ thể ban ngày khi chim bay đi thì xử lý toàn bộ chim non, chim đang ấp rồi tiêu độc khử trùng. Sau đó tiếp tục sàng lọc con yếu. Tiếp theo là xét nghiệm vi rút H5N1 trên đàn chim yến còn lại liên tục 7 ngày, âm tính thì cho tồn tại, dương tính thì xử lý. Tín hiệu đáng mừng là đến nay tỷ lệ chim chết đang giảm dần, đến ngày (21/4) thì không còn chết nữa, con non, con bệnh cũng đã tiêu hủy hết rồi, nhưng biện pháp chống dịch một cách khoa học thì đến nay vẫn chưa có gì cụ thể”.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan thú y Vùng 6, cho biết: “Đây là lần đầu tiên xảy ra dịch trên chim yến nên cần phải vừa xử lý vừa giám sát, vừa rút kinh nghiệm. Trước mắt diệt sạch mầm bệnh trong nhà nuôi, tiếp đó theo dõi chặt chẽ, xét nghiệm tiếp tục đối với đàn yến trưởng thành có vẻ bề ngoài khỏe mạnh, sau đó tính tiếp việc xử lý đối với chúng. Cơ quan thú y Vùng 6 tạm chấp nhận phương án xử lý này vì qua giám sát nhiều ngày cho thấy chim yến khó lây bệnh lẫn nhau vì kiếm ăn đơn độc và chỉ cặp tối đa một chim khác khi về tổ, tỷ lệ chim yến sống mắc vi rút H5N1 không nhiều qua các xét nghiệm và có thể đó là mẫu lấy từ các chim yến yếu...”.
Trong khi đó, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, phát biểu: “Quan điểm của cơ quan thú y TP.HCM khi phát hiện đàn chim yến nuôi có nhiễm vi rút cúm H5N1 thì sẽ xử lý nhanh gọn, không để phát tán dịch bệnh”.
"Không ai làm như ta là diệt tất"
Đó là khẳng định của TS Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học (ĐH Cần Thơ). TS Ni phân tích: “Nhìn lại dịch cúm gia cầm những năm trước đây, chúng ta rất hốt hoảng. Trong khi Thủ tướng Thái Lan lên truyền hình ăn gà rán để trấn an người dân thì chúng ta lại tiến hành tiêu hủy hàng loạt từ các loại gia cầm, thủy cầm, chim nuôi, chim tự nhiên. Người ta hiểu được sâu xa của cơ chế lây lan, từ đó họ đi giải quyết các ổ dịch đúng hướng nên ngành chăn nuôi gia cầm của họ không bị sụp đổ. Cũng bị cúm, nhưng mình lại làm theo một cách hoàn toàn khác là phát hiện ổ dịch thì khoanh bán kính là mấy cây số rồi tiêu hủy hết, có những chuồng trại không bị dịch cũng tiêu hủy luôn. Trở lại vấn đề chim yến hiện nay ở Việt Nam, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu cụ thể, phải biết chính xác rồi mới quyết định. Tôi tin là không có ai làm như cách mà chúng ta đã từng làm và đang làm là diệt tất tần tật như vậy cả”.
Ở góc độ người nuôi, anh Phạm Ngọc Thanh - một người nuôi yến ở Q.9 (TP.HCM), bộc bạch: "Tôi rất ngạc nhiên trước thông tin chim yến bị nhiễm cúm H5N1 và việc tiêu hủy đàn yến một cách vội vàng như vậy là rất đáng tiếc, gây thiệt hại rất lớn đến kinh tế cũng như thương hiệu yến Việt Nam".
Việc tiêu diệt đàn chim yến đang khiến những người nuôi loài chim này hoang mang. Ông Nguyễn Văn Lãng, chuyên gia trong nghề nuôi chim yến, nói: “Việc tận diệt đàn yến nuôi nếu nhiễm vi rút H5N1 là giải pháp không căn cơ và thiếu cơ sở khoa học. Khả năng lây bệnh của đàn yến đến nay chưa có cơ sở khoa học nào xác định. Nhưng ngay cả khi đặt giả thiết đàn yến có thể gây lây lan dịch bệnh thì liệu biện pháp diệt đàn yến nuôi có ngăn được dịch không khi mà chim yến bay vô định khắp nơi? Thông tin lây lan dịch bệnh trên đàn yến nuôi chưa rõ ràng, khả năng truyền bệnh cũng chưa có một cơ sở khoa học nào kết luận, do đó biện pháp tiêu hủy đàn yến là quá máy móc và vội vàng”.
Không nên vội vàng
PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu - nguyên Trưởng phòng Công nghệ tế bào sinh vật - Viện Sinh học nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ VN) nói: “Theo kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm của tôi về loài chim yến, tỷ lệ chim chết và hao hụt lúc nào cũng có, đặc biệt chim con rất dễ chết với nhiều lý do khác nhau, trung bình tỷ lệ hao hụt khoảng 10-15%. Đối với việc xử lý đàn chim yến nuôi trước dịch cúm gia cầm, quan điểm của tôi là cần phải có cơ quan chức năng xét nghiệm và công bố chính xác để làm cơ sở cho địa phương đưa ra các biện pháp xử lý. Quy trình lấy mẫu cần làm rõ ràng và nghiêm túc, cụ thể cần phải có mẫu lưu được niêm phong, có đầy đủ chữ ký của người nuôi để đối chiếu phòng khi xảy ra khiếu nại. Người nuôi chim yến hiện nay đầu tư rất lớn trong khi nguồn thu thì không ổn định, nhiều người chưa có lợi nhuận gì, do đó việc xử lý đàn chim yến trước dịch cúm A/H5N1 không thể vội vàng, cần phải thận trọng và hết sức khách quan để hạn chế thiệt hại cho người nuôi chim yến”.
Theo một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, phụ trách lĩnh vực y tế dự phòng, dịch bệnh tại TP.HCM (xin giấu tên): “Cúm A/H5N1 trên chim yến là khía cạnh còn rất mới bởi vì chim yến thuộc loại động vật hoang dã bay ngoài trời, không phải gia cầm được nuôi nhốt tại chỗ, làm sao quản lý và thực hiện tiêm ngừa cho chim như gia cầm nuôi được? Ngay cả cơ quan thú y trong nước cũng còn lúng túng trong việc xử lý khi có thông tin chim yến nhiễm vi rút cúm A/H5N1. Do vậy, việc các cơ quan chức năng đưa ra biện pháp xử lý cần phải hết sức cân nhắc. Ngay cả việc nếu hủy chim thì tính toán đền bù cho người nuôi thế nào cho hợp lý..."
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết: “Thông tin chim yến nhiễm cúm A phải nói là còn mới mẻ quá. Do vậy, chúng ta cần cân nhắc trong việc xử lý, để làm sao phòng tránh được bệnh mà cũng không gây thiệt hại quá nhiều cho doanh nghiệp trong lúc tình hình kinh tế đang khó khăn. Hiện ở TP.HCM chưa phát hiện trường hợp chim yến nhiễm cúm A/H5N1”.
Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn - 26/04/2013 09:23

25 tháng 4, 2013

Ninh Thuận: Nhiều “khuất tất” xung quanh việc công bố dịch yến

Chưa đầy 1 tuần lễ sau sự kiện tỉnh Ninh Thuận công bố dịch cúm A/H5N1 tại cơ sở Thanh Bình (số 592 đường Thống Nhất, TP.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) của Công ty CP Yến Việt, thị trường yến sào trong nước đã gặp nhiều rúng động. Hầu như tất cả giao dịch mua bán yến sào đều ngưng trệ, người nuôi chim yến lo lắng, người tiêu dùng hoang mang và các doanh nghiệp nước ngoài đang nhập khẩu mặt hàng yến sào từ Việt Nam cũng chờ đợi thông tin chính thức. PV Báo Nhà báo và Công luận đã tiến hành điều tra thực tế sự việc đang diễn ra tại tỉnh Ninh Thuận, phát hiện nhiều yếu tố “bất ngờ” và sự thiếu minh bạch xung quanh câu chuyện dịch cúm trên chim yến.
 
Công bố dịch dựa trên kết quả xét nghiệm “mờ mịt” ???
Truy tìm thông tin từ các trang web quốc tế và nguồn dữ liệu do một số nhà khoa học sinh học Việt Nam cung cấp, đến thời điểm hiện nay, việc phát hiện chim yến tại Ninh Thuận có nhiễm virus cúm A/H5N1 là trường hợp đầu tiên trên thế giới. Thông tin này trở nên “nóng sốt” bởi lẽ mọi người lo lắng và việc công bố dịch chính thức từ cơ quan quản lý Nhà nước. Vấn đề là khi tìm hiểu kỹ lại thông tin, chúng tôi phát hiện ra khá nhiều chi tiết đáng để cộng đồng lưu tâm.
Các kết quả xét nghiệm âm tính (không nhiễm virus) từ chim yến tại cơ sở Thanh Bình.
Thứ nhất, cho đến thời điểm hiện nay, ngay chính doanh nghiệp là Công ty CP Yến Việt (đơn vị chủ quản cơ sở nuôi chim yến Thanh Bình) không hề có trong tay các văn bản pháp lý kiểm nghiệm chim yến nhiễm virus cúm A/H5N1, tất cả thông tin chim yến nhiễm bệnh đều được thông tin “miệng” từ các cơ quan chức năng thuộc tỉnh Ninh Thuận. Trong khi, theo PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng Công nghệ tế bào động vật - Viện Sinh học Nhiệt đới (thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) phân tích: “Quy trình kiểm nghiệm và công bố dịch trên chim yến phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tính chính xác. Các kết quả kiểm nghiệm phải được ký ban hành bởi cơ quan có chức năng, thẩm quyền xét nghiệm, đầy đủ thông số khoa học và biện pháp thực hiện xét nghiệm. Đặc biệt, các mẫu chim yến được kiểm phải được các bên ký xác nhận niêm phong mẫu vật. Không thể công bố dịch dựa trên các quy trình thiếu chặt chẽ, nguồn mẫu xét nghiệm chưa rõ ràng”.
Trả lời về thông tin liên quan đến các kết quả xét nghiệm, bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám Đốc Công ty CP Yến Việt khẳng định: Nhà chim Thanh Bình là một trong những tài sản lớn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xử lý đàn chim sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi rất tin tưởng vào cơ quan chức năng tại tỉnh Ninh Thuận, nhất trí với các quyết định xử lý đàn chim tại nhà chim Thanh Bình”. Tuy nhiên, khi PV cần xem các Biên Bản lấy mẫu vật kiểm nghiệm, Phiếu kết quả kiểm nghiệm và các văn bản pháp lý của cơ quan chức năng, thì đại diện Công ty CP Yến Việt thành thật chia sẻ: “Đến nay Công ty chỉ được nghe công bố thông tin trong các buổi họp. Chúng em hoàn toàn không có văn bản pháp lý nào để cung cấp cho báo chí vì các cơ quan chức năng đang lưu giữ”. Hiện tại, được biết phía Công ty CP Yến Việt chỉ lưu giữ các Phiếu trả lời Kết quả xét nghiệm xác định chim yến “âm tính” với virus A/H5N1 (không nhiễm bệnh - PV) từ Phân Viện Thú y Miền Trung và Cơ quan Thú y Vùng 6.
Các nhà yến lân cận không phát hiện nhiễm bệnh
Một điểm đáng lưu ý là khi PV Báo NB&CL xâm nhập khu vực đường Thống Nhất, phường Đạo Long, TP.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận để tìm hiểu các nhà nuôi chim yến lân cận cơ sở Thanh Bình thì nhận được thông tin khả quan: Các cơ quan chức năng đã nhiều lần tiến hành lấy mẫu tại các nhà yến khác và kết quả xét nghiệm đều không phát hiện chim yến nhiễm virus A/H5N1. Theo anh Lê Anh Tuấn, một hộ nuôi yến tại hẻm 586 đường Thống Nhất cho biết: Mình bức xúc lắm vì mình thấp cổ bé họng nên không dám nói. Cơ quan chức năng người ta làm, mình là dân thường thì mình đâu dám nói. Nếu là dịch bệnh thực sự thì chắc cả khu vực xóm này đã bị lây nhiễm rồi bởi vì xung quanh đây rất nhiều nhà nuôi chim yến sát nhau. Hiện tại, xung quanh không có chết con chim nào cả, chính quyền ở đây cũng đến kiểm tra tại nhiều cơ sở và hầu hết đều không có chim chết.
 
Ông Văn Công Đồng, cư dân ngụ tại nhà 590 Thống Nhất, TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận 
– 
liền kề cơ sở nuôi chim yến Thanh Bình.
Đại diện gia đình khác, hộ nuôi chim yến tại số 586/2 Thống Nhất khẳng định: Trước đây khi chưa có thông báo dịch xảy ra thì lác đác cũng có chim chết trên mái nhà, đây là việc hoàn toàn bình thường vì đàn chim hàng trăm ngàn con cũng phải có con già, con bệnh, con chết. Riêng sự việc lần này, Cơ quan Thú y Vùng 6 đã kiểm tra nhiều hộ nuôi chim yến lân cận cơ sở Thanh Bình nhưng không hề phát hiện chim nào bị nhiễm bệnh. Ông Tín Nghĩa, Chủ cơ sở Tín Nghĩa chuyên về thiết bị nhà chim yến (số 412 Thống Nhất, TP. Phan Rang) khẳng định: Trong rất nhiều năm làm nghề tư vấn kỹ thuật lắp đặt, xây dựng nhà nuôi chim yến thì đây là lần đầu tiên tôi nghe thông tin chim yến nhiễm virus cúm A/H5N1, tôi hơi ngạc nhiên và chưa thuyết phục trước thông tin này.
Đặc biệt, ông Văn Công Đồng, 87 tuổi, ngụ tại số nhà 590 Thống Nhất, giáp cạnh cơ sở Thanh Bình khẳng định: Trong suốt thời gian qua, trên mái nhà ông không hề có xác chim yến chết. Mọi sinh hoạt của gia đình ông diễn ra bình thường cho đến thời điểm nghe công bố dịch. “Chỉ tội nhất là người ta giết rất nhiều chim yến, bỏ vào trong các bao lớn và đem đi tiêu hủy, trông thật đau đớn” - ông Đồng buồn chia sẻ.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan Thú y Vùng 6 khẳng định: Chúng tôi đã làm đúng trách nhiệm về xét nghiệm mẫu chim nhiễm bệnh khi mang về đến Cơ quan Thú y Vùng 6. Tuy nhiên, ông Bình cũng chia sẻ, thực tế việc phát hiện chim yến nhiễm virus A/H5N1 là quá mới. Khi PV đặt câu hỏi về việc có khả năng nào “gây bệnh nhân tạo” cho chim yến nhiễm virus A/H5N1 hay không, thì ông Bình chia sẻ: Về mặt thực tiễn, khả năng gây bệnh nhân tạo cho chim yến nhiễm virus là có thể. Trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy thực nghiệm, người ta vẫn thường tạo ra các chủng bệnh lý nhằm giúp sinh viên, người nghiên cứu khoa học triển khai xử lý thực nghiệm. Đồng quan điểm với ông Bình, PGS-TS Nguyễn Khoa Diệu Thu bức xúc: Với kinh nghiệm hơn hàng chục năm nghiên cứu chuyên về chim yến, tôi nghi ngờ khả năng chim yến nhiễm virus A/H5N1. Đề nghị các cơ quan chức năng cần nghiêm túc kiểm tra kỹ quy trình lấy mẫu, xét nghiệm, đảm bảo tính khách quan, chính xác và trung thực. Mỗi thông tin công bố liên quan đến dịch bệnh cần phải được thận trọng xem xét kỹ lưỡng trên mọi phương diện, kể cả thực tế nếu có phát hiện và thấy một vài mẫu chim chết nhiễm virus A/H5N1 thì cũng phải có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi vội vàng công bố dịch bệnh.
Phát hiện tranh chấp nội bộ tại Công ty CP Yến Việt
Trong quá trình điều tra thông tin về diễn biến xảy ra tại các nhà nuôi chim yến tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi phát hiện “tình tiết” mới xung quanh quá trình quản lý điều hành Công ty CP Yến Việt. Cụ thể, Công ty trước đây được sáng lập và điều hành bởi ông Võ Thái Lâm, tuy nhiên những năm gần đây, do quản lý yếu kém và vi phạm một số nguyên tắc về tài chính, ông Lâm đã không còn nắm quyền kiểm soát và điều hành Công ty. Đại diện Quỹ Đầu tư Vinacapital và các cổ đông khác hiện giữ cổ phần chi phối (tỷ lệ 67%) tại doanh nghiệp này. Tuy vẫn giữ một số cổ phần ít hơn tại Công ty CP Yến Việt, song ông Võ Thái Lâm lại “xuất hiện” trên thị trường với tư cách đại diện Công ty TNHH Yến Sào Thăng Long (Dragonnest) - một doanh nghiệp đang cạnh tranh trực tiếp với Công ty CP Yến Việt.
Ngoài ra, rất nhiều chi tiết đáng chú ý khác như thời điểm phát hiện ra chim yến chết hàng loạt tại cơ sở Thanh Bình cũng là thời điểm ông Võ Thái Lâm ra vào khu vực nhà nuôi chim yến. “Chính ông Lâm và người thân đã tự lấy mẫu chim yến chết đi kiểm nghiệm và không trả kết quả xét nghiệm về công ty. Thực tế là đến thời điểm hiện nay, tất cả mẫu chim sống, mẫu phân được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm kỹ lưỡng đều cho kết quả âm tính, không phát hiện virus A/H5N1. Các mẫu chim từ sau khi công bố có dịch, sau khi Công ty không cho phép ông Lâm vào nhà yến cũng không nhiễm bệnh” - đại diện Công ty CP Yến Việt chia sẻ.
Theo ông Lê Danh Hoàng, chủ một doanh nghiệp chuyên nuôi chim yến tại TPHCM, khẳng định: Trong trường hợp có dịch bệnh, chắc chắn các mẫu phân chim cũng nhiễm virus. Nếu chỉ có một số con chim chết nhiễm bệnh (chim sống không nhiễm bệnh), mà việc kiểm soát quy trình xét nghiệm dịch bệnh chưa chặt chẽ thì mọi người có quyền nghi ngờ tính xác thực của chim nhiễm bệnh. “Hiện nay, có rất nhiều cách tạo ra cái chết hàng loạt của chim yến. Rất mong cơ quan chức năng kiểm tra chặt chẽ, kể cả việc đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra có hay không khả năng phá hoại, cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau. Đây là sự việc nghiêm trọng vì nó liên quan đến cả ngành công nghiệp nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến, đảm bảo thương hiệu yến sào Việt Nam trên thị trường thế giới” - ông Danh Hoàng phân tích.
Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu thông tin liên quan đến sự việc này và cung cấp cho bạn đọc trong các bài viết sắp tới.

TƯỜNG MINH - Nguồn: Báo Nhà báo và công luận
Tổ chim yến (yến sào) miễn nhiễm với virus A/H5N1
Hiện nay trên thế giới, do điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng, sản phẩm yến sào Việt Nam đang được đánh giá chất lượng hàng đầu thế giới. Yến sào cũng hoàn toàn miễn nhiễm với virus A/H5N1. Trên thương trường, sản phẩm yến sào từ nước ta luôn có giá thành cao hơn sản phẩm cùng loại tại các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... Hàng năm, doanh nghiệp Việt đã tiến hành xuất khẩu mặt hàng yến sào ra hàng loạt quốc gia trên thế giới, góp phần thu nhiều ngoại tệ và nộp ngân sách Nhà nước. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần bảo vệ uy tín thương hiệu yến sào Việt Nam và xử lý đúng mực trong công tác phòng chống dịch bệnh.

15 tháng 4, 2013

Chim yến nhiễm H5N1: Nếu kết luận vội vã sẽ thiệt hại rất lớn

PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng công nghệ sinh học động vật, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã chia sẻ với TBKTSG Online từ góc nhìn của nhà khoa học về vấn đề này.
 
(TBKTSG Online) - Trước thông tin đàn chim yến nuôi trong nhà tại thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, bị phát hiện chết hàng loạt (gần 5.000 con), trong đó có một số mẫu xét nghiệm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1, những ngày gần đây đã dấy lên làn sóng lo lắng cho hàng ngàn hộ nuôi chim yến trên cả nước.
PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, nguyên Trưởng phòng công nghệ sinh học động vật, Viện Sinh học nhiệt đới thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đã chia sẻ với TBKTSG Online từ góc nhìn của nhà khoa học về vấn đề này.
TBKTSG Online:  Là nhà khoa học có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực nghiên cứu chim yến nuôi, bà có suy nghĩ gì trước thông tin một số doanh nghiệp và hộ nuôi chim yến tại Phan Rang phát hiện đàn chim yến bị nhiễm cúm gia cầm H5N1 với kết quả xét nghiệm dương tính?
- PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu: Từ năm 2004, Việt Nam bắt đầu phát triển nuôi chim yến, và đến nay đã trở thành một nghề với hàng ngàn hộ nuôi chim. Nhờ vậy mà sản lượng yến tăng hơn gấp đôi so với trước đây chỉ dựa vào khai thác yến đảo. Dự tính hiện nay có thể đạt được khoảng 10 tấn tổ yến nuôi và tổ yến đảo/năm.
Nghề nuôi chim đang trên đà phát triển, nhiều gia đình đã đầu tư vài trăm triệu cho đến vài tỉ đồng, cho nên khi đề cập đến bệnh tật của chim yến thì đó là một vấn đề nhạy cảm, cần hết sức chú ý.
Nếu khẳng định đàn chim ở Ninh Thuận chết vì H5N1, thì đó là một vấn đề lớn cho cả vùng, có thể có ảnh hưởng không nhỏ đến nghề này. Vì vậy, để có đầy đủ thông tin nên đồng thời xét nghiệm mẫu tại một số phòng thí nghiệm và trên nhiều vật phẩm khác nhau.
Khi phát hiện có hiện tượng chim yến chết hàng loạt, ngoài kiểm tra mầm bệnh còn cần phải xem xét thêm đến môi trường, môi trường tự nhiên và môi trường trong nhà yến.
Tháng 3-2013, nhiệt độ không khí ở miền Trung lên đến 38-39 độ C, khô hạn kéo dài, nguồn nước cạn kiệt, chim yến lại rất cần nước ngọt mỗi buổi chiều, có thể uống phải nguồn nước xấu có độc tố. Thức ăn cho chim cũng không đủ vì côn trùng cũng cần có mưa mới sinh sôi nẩy nở, phải đi xa để uống nước và kiếm ăn, chim phải tiêu tốn nhiều năng lượng. Trong khi đó môi trường nhà yến có thể rất xấu như không thông thoáng, không tiến hành vệ sinh, phân chim tích tụ quá nhiều, sự phân hủy các chất thải này sẽ tỏa nhiệt làm nhiệt độ trong nhà yến có thể còn cao hơn nhiệt độ bên ngoài, có thể lên đến 40-41 độ C, đạt đến ngưỡng nhiệt độ gây chết của loài chim này.
Các chất thải nhiều còn làm các yếu tố độc hại khác như CO2, H2S, Amoniac tăng cao, Oxy giảm thấp. Có một thí dụ nêu ra để tham khảo, vào năm 1999, sản lượng yến sào ở một tỉnh miền Trung giảm 20% và tiếp theo năm 2000 giảm 60%. Đó là những năm nhiệt độ không khí tăng cao đột ngột, mặc dầu khó tìm thấy xác chim chết của đàn chim sống ở đảo, nhưng qua số lượng tổ đã thấy một số lượng không nhỏ chim không làm tổ nơi đây.
Khi thấy hiện tượng chim chết hàng loạt, theo tôi cần lấy mẫu chim, xem xét và lưu lại các tư liệu thức ăn trong dạ dày, ruột, lông, phổi, thịt chim và nhiều mẫu khác để có các phân tích sinh học tiếp theo.
Liệu có khả năng từ một vài con chim yến xét nghiệm với kết quả dương tính cúm A/H5N1 sẽ lây lan ra cả bầy đàn và vùng nuôi chim?
- Vì đây là vấn đề mới nên tôi chưa có đủ tư liệu để phát biểu về vấn đề lây lan. Trước mắt, đối với các nhà yến đông chim, vận hành 2-3 năm cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, hàng tuần cần hốt hết phân, mở các lỗ thông gió, để không khí nóng thoát ra ngoài, thường xuyên khống chế nhiệt độ đúng chuẩn yêu cầu, theo dõi các hiện tượng và sự biến động của đàn chim. Có camera theo dõi trên sàn nhà xem có xuất hiện chim chết không, phát hiện hiện tượng yếu và chết của chim, từ từ từng cá thể hay đồng loạt cả đàn sau khi đi ăn về...
Có thể tham khảo những triệu chứng thường gặp khi gia cầm bị cúm như: chết đột ngột, chết hàng loạt hoặc có biểu hiện một số triệu chứng khi kiểm tra như chim chết thấy chảy nước mắt, nước dãi, mổ ruột không có thức ăn, xuất huyết ở những chỗ da không có lông. Đặc biệt là chân; khi còn sống chim đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù, gục xuống, khó thở, ỉa chảy, các biểu hiện thần kinh như quay vòng, nghẹo cổ. Khi phát hiện các hiện tượng này cần có biện pháp xử lý ngay lập tức.
Tôi muốn nhắc lại là cần phải thu thập tư liệu và làm thêm một số xét nghiệm khác có tính chất tổng hợp hơn về môi trường trong và ngoài nhà yến ở khu vực nuôi Phan Rang trong khoảng thời gian đó, để có một cái nhìn tổng thể, khách quan, và có những hướng dẫn cụ thể để giàm bớt ảnh hưởng của vấn đề này đến nghề nuôi yến nói chung.
Người tiêu dùng hiện rất lo lắng về chất lượng của tổ yến nuôi sẽ bị suy giảm giá trị dinh dưỡng một khi chim yến bị nhiễm cúm gia cầm?
- Trong năm 2010 đã có những công bố hàm lượng protit trong yến nuôi ở các vùng khác nhau của Malaysia có giá trị dinh dưỡng khác nhau, nghĩa là chất lượng tổ yến phụ thuộc khá rõ vào vùng và mùa có nhiều hay ít thức ăn thiên nhiên. Tất nhiên trong những năm nắng nóng chim yến khó kiếm thức ăn thì tổ yến sẽ nhỏ và kém giá trị hơn. Tổ yến nuôi ở các nhà yến không có chim bệnh thì không bị giảm giá trị.
Bà có thông tin gì về các nước trong khu vực phát triển nghề nuôi chim yến trước chúng ta từ 10-20 năm?
- Tổng sản lượng yến trên thế giới hiện nay lên đến hơn 3.700 tấn/năm, doanh thu thương mại tổ yến năm 2010 đạt khoảng 6 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay Indonesia đang sản xuất 70% sản lượng tổ yến trên toàn thế giới, khoảng 2.000 tấn/năm, với tổng lượng đàn chim khoảng 80 triệu con, Malaysia sản xuất được khoảng 275 tấn/năm, đàn yến cũng có khoảng 10 triệu con chim, trong khi đó sản lượng tổ yến đảo và tổ yến nuôi tại Việt Nam chỉ tầm 10 tấn/năm.
Kể từ khi có bệnh cúm gia cầm đến nay, để bảo vệ nghề nuôi yến và con người, cơ quan thú y tại các nước trong khu vực Đông Nam Á có liên quan đến nghề nuôi chim yến hàng quí, hàng năm đều tiến hành kiểm tra giám sát thường xuyên, lấy phân và vật phẩm trên đối tượng yến để xét nghiệm mẫu, nhận thấy không có kết quả dương tính với bệnh cúm gia cầm. Đồng thời, để phòng bệnh họ cũng đặt ra các quy định khá chặt chẽ về vùng phát triển nuôi yến và các tiêu chuẩn vệ sinh nhà yến...
Suốt từ tháng 3, tháng 4-2013, tôi theo dõi liên tục các thông tin ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan… thì cho đến nay chưa có tư liệu nào nói rằng chim yến tại các nước này bị nhiễm bệnh cúm A/H5N1. Hầu hết đều nói chim yến là loài chim suốt ngày bay trong không trung để kiếm mồi, do chân yếu ớt không bao giờ đậu, ngoại trừ những nơi làm tổ, vào thời gian chim nghỉ ngơi ấp trứng.
Chim yến không chia sẻ không gian bay hoặc làm tổ với các loài chim khác, là một loài sống khá cô lập với các đối tượng khác, cơ hội tiếp xúc với nguồn bệnh rất ít, ngoại trừ nguồn nước. Nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm, cảm nhiễm H5N1 từ chim yến ở các nước nêu trên là rất nhỏ.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, một khi Việt Nam đã công bố đàn chim yến nhiễm bệnh H5N1 thì phải trải qua các bước xét nghiệm mẫu từ nhiều đơn vị khác nhau ở trong và ngoài nước để có kết quả chính xác và khách quan nhất. Trong trường hợp chúng ta thông tin một cách vội vã, thiếu sự thận trọng, thiếu sự phối hợp giữa các cấp ban ngành thì sự tác hại về kinh tế trong lĩnh vực này rất lớn.
 Các bước phòng cúm gia cầm H5N1 trên đối tượng chim yến   
Chim yến làm tổ trong nhà. Ảnh: Uyên Viễn
Theo PGS TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút H5N1 gây ra. Nó nguy hiểm vì có thể làm cho gia cầm chết đột ngột, hàng loạt và lây lan nhanh. Gà, vịt, ngan, ngỗng, chim nuôi, chim hoang dã... đều có thể mắc bệnh.
Cúm gia cầm có thể lây sang người và một số loài thú và gây tử vong cho người. Vi rút có thể sống trong phân, nước, đất... từ hai đến bốn tuần.  Vi rút chỉ chết ở 70 độ C trở lên, có thể sống trong nhiệt độ lạnh (tủ lạnh, tủ đá) hàng tháng.
Sự lây nhiễm cúm qua hai con đường: Lây trực tiếp thông qua tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với chim hoang dã đã bị nhiễm bệnh. Lây gián tiếp qua tiếp xúc trực tiếp với phân, lông... bị nhiễm vi rút. Chim hoang dã và vịt gà bị nhiễm vi rút cúm có thể truyền vi rút sang chim yến thông qua lông, phân, xác chết... của chúng rơi xuống ao, hồ, nguồn nước mà chim yến uống.
Để bảo vệ an toàn đàn chim phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang các nhà yến khác, trước mắt cần thực hành những thói quen tốt sau đây:
1. Khi có chim yến bị chết ở khu vực nuôi, cần đeo khẩu trang và găng tay để cho chim vào túi nilon, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với chim chết đồng thời báo cho cán bộ thú y biết.
2. Rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, thay quần áo sau khi ra khỏi nhà yến. Hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, đeo khẩu trang, găng tay, mặc quần áo bảo hộ khi tiếp xúc với chim.
3. Hàng ngày vệ sinh nhà yến và khu vực nuôi có chim bệnh (quét dọn phân, lông, chất thải...), sau đó đem đốt hoặc chôn. Hàng tuần rửa sạch và khử trùng dụng cụ chăn nuôi.
4. Vệ sinh sạch sẽ giầy, dép, dụng cụ chăn nuôi, lốp xe, bánh xe khi ra khỏi nơi nuôi chim. Khử trùng chuồng trại bằng vôi bột, Chloramin B...
Ngoài ra, để nuôi dưỡng chim tốt hơn nhà đầu tư cần nuôi thêm côn trùng cho chim, làm máng phun nước trong khu vực nuôi y để chim uống.
Uyên Viễn thực hiện Chủ Nhật,  14/4/2013, 17:07 (GMT+7)
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/xahoi/doisong/94626/Chim-yen-nhiem-H5N1-Neu-ket-luan-voi-va-se-thiet-hai-rat-lon.html

11 tháng 4, 2013

Yến chết hàng loạt ở Ninh Thuận có thể do thời tiết.

Chiều 10.4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch gia súc, gia cầm tỉnh Ninh Thuận có buổi họp triển khai phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.
Báo cáo về tình hình yến nuôi bị chết, Chi cục Thú y Ninh Thuận cho biết hiện trên địa bàn TP.Phan Rang - Tháp Chàm có 54 cơ sở nuôi yến trong nhà.
Qua khảo sát chỉ phát hiện cơ sở nuôi yến tại rạp hát Thanh Bình, đường Thống Nhất có hơn 4.000 con (chủ yếu yến con từ 2-3 tháng tuổi) bị chết từ cuối tháng 3 đến nay.
Khi phát hiện yến chết, đơn vị đã lấy hai mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1.
Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục giám sát lấy mẫu bệnh phẩm tại cơ sở này và một số nhà yến lân cận (chỉ cách nhà yến này vài chục mét) đi xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính. Cơ quan chức năng đánh giá nguyên nhân yến chết có thể là do thời tiết nắng nóng, tổng đàn ngôi nhà yến này tăng nhanh (hơn 100.000 con) và thiếu thức ăn.
Giải thích về nguyên nhân các mẫu yến có nhiễm cúm A/H5N1, ông Nguyễn Đức Thu, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận cho rằng virus cúm A/H5N1 luôn tồn tại trong môi trường.
Những tác động về thời tiết nắng nóng, thiếu thức ăn làm một số chim yến non mất sức đề khánh nên bị virus cúm A/H5N1 nhiễm vào.
Sau khi phát hiện, ngành chức năng đã hướng dẫn cơ sở này thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng, vệ sinh phòng dịch… tạo môi trường thông thoáng trong nhà yến.
Do vậy, số lượng yến chết đã giảm đáng kể, trong hai ngày gần đây nhất (8-9.4) chỉ có 7 con bị chết.
Tại buổi họp, ông Trần Xuân Hòa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện tượng yến chết trong những ngày qua là do thời tiết và khẳng định đây không phải là dịch cúm gia cầm.
Tuy nhiên, ông Hòa đề nghị Chi cục Thú y theo dõi, giám sát, tiếp tục lấy mẫu bệnh phẩm cơ sở này đi xét nghiệm; đồng thời tổ chức tuyên truyền vận động các cơ sở nuôi yến trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để ngành chức năng thực hiện giám sát dịch bệnh đến ngày 15.4.
Nguồn: báo Giáo dục