--------------------- Tư vấn - Thiết kế - Lắp đặt và chuyển giao công nghệ nuôi Chim Yến trong nhà --------------------
VPMN: 35 đường số 10, KP4, P.HBC, Q.Thủ Đức,TP.HCM ----- VPMT: 313 Lê Thanh Nghị,Q.Hải Châu, Đà Nẵng
Tel: 0511.6255.417 - 6255.418 - Fax: 0511.6255.418 *Hotline: 0917.44.65.30 *Email:Phanhungthinhdn@gmail.com

18 tháng 8, 2011

Lễ hội cúng Tổ nghề Yến diễn ra tại xã đảo Tân Hiệp - Cù lao Chàm, thị xã Hội An và kéo dài đến 7-4 với các nghi thức tỏ lòng biết ơn Tổ nghề cùng nhiều hoạt động vui chơi với mong ước một mùa thu hoạch thắng lợi. Lần đầu tiên Lễ hội này được đưa vào chương trình hoạt động mang tính quốc gia của Năm Du lịch Quảng Nam 2006. Đông đảo du khách trong và ngoài nước đã vượt gần 20 km từ đất liền ra đảo xanh Cù lao Chàm tham dự. Mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, lễ cúng Tổ nghề Yến được tổ chức chính thức tại Miếu Tổ nghề tại Thôn Bãi Hương (Cù lao Chàm). Phần lễ được tiến hành theo đúng các nghi thức truyền thống với cúng lễ túc, cúng cầu an, tế Tổ nghề. Phần hội kéo dài suốt 2 ngày với các cuộc thi đấu và các trò chơi mang đầy tính văn hóa thu hút không chỉ cư dân xã đảo mà cả du khách cũng hào hứng tham gia. Cù lao Chàm là nơi duy nhất của tỉnh Quảng Nam có loài chim Yến hàng - Collocalia Fuciphaga Genmaini Oustalet, thuộc phân giống Yến hông xám (Swiftlets), giống Collocalia, họ Apodidac, bộ Yến Apdiformes. Chim Yến có vóc dáng chỉ nhỏ bằng chim sẻ, hông và bụng màu xám, toàn thân nâu đen; cánh dài ( 115-125mm), vút nhọn, bay rất khoẻ, đuôi ngắn, chẻ đôi; mỏ ngắn, dẹp, có thể há rất rộng. Hàng năm, vào cuối tháng 11 âm lịch, yến bắt đầu làm tổ theo một cách rất độc đáo: yến nhả nước bọt thành những dãi trắng lên những vách đá cheo leo của các hang động trên đảo. Dãi yến mới nhả ra có màu trắng phớt hồng, gặp gió quánh lại, chuyển thành màu trắng đục. Tổ chim yến thường được gọi là yến sào hay tai yến. Yến đẻ trứng, ấp trứng và nuôi cho đến khi chim con đủ sức tự bay đi kiếm mồi. Tổ yến có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, chiếm từ 36-52% protein và là một nguồn dược liệu rất quý. Tổ yến giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể, bổ khí huyết, tráng dương, ổn định thần kinh, chống lão hoá, làm đẹp nước da và có thể ngăn ngừa, thậm chí chữa được nhiều loại bệnh nan y như lao phổi, hen suyễn, viêm xương...Chính vì vậy, yến sào là loại hàng hoá hiếm quý, đắt giá trên thị trường từ xưa đến nay. Nhiều nguồn tư liệu cho biết, từ trước thế kỷ 18, người Trung Quốc đã biết đến giá trị của yến sào. Một số nước ở Đông Nam Á, trong đó có người Chàm cũng đã biết khai thác nguồn đặc sản này trên các hang đảo nằm ở vùng biển quốc gia... Ở Hội An, một ông lão họ Trần tình cờ phát hiện ra tổ yến sau đó tổ chức khai thác và nộp thuế. Vì thế, các chúa Nguyễn (từ thế kỷ 17) đã cho lập “Đội Thanh Châu”, thực chất là giao cho dân làng Thanh Châu (Hội An) khai thác yến sào ở vùng đảo Cù lao Chàm và nộp thuế hàng năm cho nhà nước. Sau này, mở rộng vào các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa. Khai thác yến sào phải leo lên các vách đá cheo leo, hiểm trở, bên dưới là mặt nước biển ăn sâu vào hang sâu, nếu sơ sẩy, người thợ khai thác khó an toàn tính mạng. Ở Cù lao Chàm, chim yến thường làm tổ trong các hang ở Hòn Khô (mẹ), Hòn Lao, Hòn Tai...Việc khai thác yến sào ở Hội An hiện nay do Đội Khai thác Yến, trực thuộc UBND Thị xã phụ trách. Mỗi năm, khai thác 2 kỳ ( vào tháng 4 và tháng 8 dương lịch). Tổ yến sau khi khai thác, mang về làm sạch bằng cách lấy dao nhọn hoặc nhíp nhặt hết lông, phân chim, rêu và bùn đất. Phải hàng hai chục công nhân làm trong vài ngày. Sau đó phân thành các hạng căn cứ theo kích thước màu sắc, khối lượng gồm: Yến huyết, yến thiên, yến quang, yến bài, yến địa, yến vụn. Giá yến bình quân 3.000USD/kg. Là chủ nhân của nguồn thực phẩm to lớn này, nhiều năm qua, chính quyền Hội An không ngừng cải tiến quy trình, phương tiện, công cụ, kinh nghiệm chăm sóc chim, khai thác tổ của tiền nhân. Các hang đều được bảo vệ, làm vệ sinh trước mỗi mùa sinh sản của chim. Các vách đá được bịt kín các khe nứt, tạo hang nhân tạo, tránh dột nước ướt tổ, tăng diện tích vách đá cho chim làm tổ... Nếu các thế kỷ trước, yến sào là sản vật xuất khẩu chiến lược của đô thị thương cảng Hội An thì hiện nay vẫn là mặt hàng xuất khẩu số một, từng chiếm trên 20% tổng thu nhập quốc dân của Hội An. Trong lễ hội cúng Tổ nghề Yến năm nay, ngoài các hoạt động văn hoá thể thao như đua thuyền ngang, kéo co bằng thuyền trên biển, thi lắc thúng chai, các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ đất liền, hải đảo..., Hội An còn tập trung đầu tư xây dựng các tour tham quan khám phá Cù lao Chàm - đảo xanh quyến rũ; tham quan thắng cảnh biển đảo và các di tích; tham quan san hô và sinh vật biển bằng tàu đáy kính, thúng đáy kính; lặn biển; du lịch nghỉ dưỡng (tắm biển, sinh hoạt lửa trại, ngủ lều du ngoạn, ngủ nhà sàn). Du khách còn được thưởng thức “ Món ngon Cù lao Chàm” với các đặc sản biển như cua đá, vú xao, vú nàng..., rượu trứng yến, rượu hải sâm, rượu bào ngư... Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ vài trăm năm qua, khách được đặt chân lên Hang Tò Vò để xem hang yến, tổ yến, cách khai thác yến của công nhân. Đặc biệt hơn nữa, lần đầu tiên, món yến chưng hạt sen được chế biến để mời gọi du khách thưởng thức. Ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND Thị xã Hội An cho biết, khách có thể mua Yến sào làm quà với giá 4.750.000đồng/lạng yến Bài hoặc thưởng thức món yến chưng hạt sen với giá đã có khuyến mãi (30%) là 100.000đồng/ tiềm và 50.000đồng/nửa tiềm. (Chỉ riêng Công ty TNHH Lê Nguyễn đã đăng ký 40 suất yến chưng hạt sen cho đoàn khách của đơn vị mình ( đến từ Na Uy, Đan Mạch). Lễ hội cúng Tổ nghề Yến tại Cù lao Chàm mang đậm chất văn hoá dân gian, được đa dạng hoá bằng các dịch vụ trong Năm Du lịch Quốc gia Quảng Nam năm nay mở đầu cho những chương trình, những tour du lịch mới đầy hấp dẫn trong thời gian đến.(dulich)