--------------------- Tư vấn - Thiết kế - Lắp đặt và chuyển giao công nghệ nuôi Chim Yến trong nhà --------------------
VPMN: 35 đường số 10, KP4, P.HBC, Q.Thủ Đức,TP.HCM ----- VPMT: 313 Lê Thanh Nghị,Q.Hải Châu, Đà Nẵng
Tel: 0511.6255.417 - 6255.418 - Fax: 0511.6255.418 *Hotline: 0917.44.65.30 *Email:Phanhungthinhdn@gmail.com

15 tháng 5, 2013

Dịch H5N1 ở chim yến: Dân hoang mang, cơ quan chức năng lúng túng!

(LĐ) - Số 88 - Thứ hai 22/04/2013
Cuối tuần qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã chính thức công bố dịch cúm A/H5N1 tấn công đàn chim yến nuôi tại rạp Thanh Bình - 592 đường Thống Nhất, P.Đạo Long, TP.Phan Rang, Tháp Chàm.  Tuy nhiên, việc phòng, chống dịch cúm A/H5N1 để bảo vệ đàn chim yến nuôi đang khiến cả người dân và cơ quan chức năng lúng túng.
 
Trong thực tế, từ cuối tháng 3, ngay khi phát hiện chim yến chết hàng loạt, một số người đã liên tưởng đến virus H5N1. Tuy nhiên,  vì nhiều lý do “tế nhị”, ổ dịch được giữ kín, cho đến khi ông Võ Thái Lâm - một trong những chủ sở hữu “ngôi nhà yến” lớn nhất TP.Phan Rang-Tháp Chàm - hoảng sợ, gửi đơn cầu cứu các cơ quan truyền thông và các ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận.

Bấy giờ, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm chim yến bị chết cho kết quả dương tính với H5N1, công luận và dư luận hết sức hoang mang, lo lắng; nhưng vì thiếu hiểu biết về loài chim yến nên phản ứng của “những người trong cuộc” rất chậm chạp và lúng túng.

Quyết định (số 862/QĐ-UBND ngày 19.4.2013)  của UNND tỉnh Ninh Thuận mới chỉ công bố dịch cúm gia cầm tấn công “ngôi nhà yến” ở 592 đường Thống Nhất, TP.Phan Rang-Tháp Chàm; trong khi thực tế  đã phát hiện ít nhất 2 địa chỉ ''báo động đỏ'' kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm chim yến chết dương tính với H5N1; đó là chưa kể một số cơ sở lặng lẽ thu nhặt chim yến chết, nhưng không lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.

Đáng lo hơn, nội dung quyết định công bố dịch nói trên của UBND tỉnh Ninh Thuận căn cứ thông tư số 69/2005 của Bộ NNPTNT, do đó copy “hướng dẫn thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm H5N1 ở gia cầm”!

Trong khi loài chim yến nhà (tên khoa học: Aerodramus Fuciphagus Amechanus) có tập tính sống theo bầy đàn, rời khỏi tổ là bay cao, bay xa... và chúng chỉ có thể đớp mồi (côn trùng nhỏ) trên không trung mà không thể mổ, nhặt mồi trên mặt đất như gà, vịt. Do đó, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch của UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cấp, các ngành “khẩn cấp tiêm phòng hoặc áp dụng các biện pháp bắt buộc khác...” là không khả thi.
Lấy mẫu bệnh phẩm chim yến chết để xét nghiệm H5N1. Ảnh: Lưu Phong

Dù thế nào, những người chủ “ngôi nhà yến” Thanh Bình cũng đã thiệt hại hàng chục tỉ đồng do môi trường sống của đàn chim yến hơn 100.000 con đã bị phong tỏa bằng hóa chất. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Xuân Hòa, tất cả các cơ sở nuôi chim yến nằm xen kẽ trong khu dân cư đông đúc, diện tích nuôi khoảng 50-300m2; nhà yến ở trên cao, chim bay trên trời nên rất khó kiểm soát dịch bệnh.

Đã đến lúc các nhà khoa học chủ động liên hệ với doanh nghiệp nuôi yến để thu thập thông tin hoặc nghiên cứu bổ sung, nhằm tổng hợp đầy đủ dữ liệu khoa học về bệnh, dịch thường gặp trên chim yến và đề xuất giải pháp phòng, chống dịch cụ thể, chính xác. Mặt khác, những địa phương có người làm nghề nuôi chim yến cần tham mưu, đề xuất với Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ trường hợp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.