--------------------- Tư vấn - Thiết kế - Lắp đặt và chuyển giao công nghệ nuôi Chim Yến trong nhà --------------------
VPMN: 35 đường số 10, KP4, P.HBC, Q.Thủ Đức,TP.HCM ----- VPMT: 313 Lê Thanh Nghị,Q.Hải Châu, Đà Nẵng
Tel: 0511.6255.417 - 6255.418 - Fax: 0511.6255.418 *Hotline: 0917.44.65.30 *Email:Phanhungthinhdn@gmail.com

15 tháng 5, 2013

Cận cảnh "Thiên hạ Đệ nhất yến"

Rà trên các tour quảng bá “Hành trình di sản miền Trung”, ai cũng thấy có điểm tham quan Hòn Lao thuộc Cù lao Chàm, Hội An, và đây chính là đảo yến lừng danh nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, du khách sẽ còn thấy thêm chú thích chỉ được nhìn từ xa Hòn Khô, bởi tất cả những người không có trách nhiệm, chưa ai từng được đặt chân lên hòn đảo kỳ dị này.
Chính xác thì tất cả tàu bè đều phải chạy cách hòn đảo 400m. Nhưng rồi một chuyến đi đặc biệt có giấy phép đã tạo cơ hội cho chúng tôi một lần được tận mắt nhìn thấy hòn đảo đã cưu mang những con yến bé nhỏ từ hàng ngàn năm nay, để loài chim tạo ra một thứ sản vật lừng danh làm cho tất cả những ai có tiền đều phải ao ước.

Trong đình thờ Thành Hoàng ở Bãi Hương thuộc Cù lao Chàm, mùi khói nhang của dịp giỗ tổ nghề yến vào tháng Ba Âm lịch chưa phai hẳn. Nghe nói không chỉ có dân xã Thanh Châu khai thác yến cha truyền con nối mới đến dâng hương dịp giỗ tổ, mà tất cả các công ty khai thác, chế biến, kinh doanh yến sào trong Nam, ngoài Bắc đều tề tựu về đây dâng lễ rất lớn để nhớ tổ nghề.
Tổ nghề yến là lão nông Nguyễn Văn Hòa, người Thanh Châu, Hội An, đã được triều đình Huế phong chức Đội trưởng khai thác yến. Con trai ông Hòa là Nguyễn Văn Học, làm đến chức Tổng quản Tam tỉnh Yến Hộ, coi sóc việc khai thác yến ở ba tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa.
Sở dĩ dân làm yến tôn xưng ông Nguyễn Văn Hòa làm tổ nghề, dù ông chỉ là kẻ hậu sinh khi nghề yến đã có tới 400 năm tồn tại, vì ông là người có quyền cao, chức trọng nhất vùng Cẩm Thanh, Hội An nhờ nghề làm yến. Cũng chính ông cùng những người lính triều đình quê gốc vùng Cẩm Thanh lên thuyền đi khắp các vùng quần đảo ngoài khơi, đi lần vào tới Bình Định, phát hiện ra những hang yến làm tổ ở bán đảo Phương Mai.
Sau đó một năm, ông phát hiện thêm đảo yến ở Hòn Mun và một số đảo khác có yến tại ngoài khơi biển Khánh Hòa, chính thức đưa Việt Nam vào danh sách vài nước Đông Nam Á có món đặc sản yến sào. Trên bàn thờ tổ nghề còn một bát hương lớn nữa mà người dẫn đường kính cẩn thắp bó nhang vái lạy, ông nói đó là bát hương dành tưởng nhớ người bỏ mạng ngoài biển trong lúc khai thác yến.
 
Đường vào hang yến
Từ nơi này nhìn ra, Hòn Khô thật sự kỳ dị bởi nó bao gồm những tảng đá to xếp lên nhau, bên trong có hang sâu, nơi bầy yến chọn chỗ cao nhất làm tổ trên vách. Không bóng cây cỏ nào mọc nổi trên đá bỏng rát dưới nắng tháng Tư khi chúng tôi bò qua những tảng đá to bằng vài chiếc chiếu, trơn nhẵn để vào gần hang nơi yến làm tổ.
Những con yến xám bé tí xíu nhưng lại có sức khỏe để bay suốt ngày kiếm ăn trên biển, đến mùa kết bạn, chúng quấn quýt bên nhau, nhỏ dãi xây tổ ấm sinh sôi. Chúng tìm nơi hang sâu, trơn trượt để làm tổ, nơi rắn hay chuột cũng không thể đến để ăn trứng. Nhưng con người vẫn đến.

Tháng Tư là mùa khai thác tổ yến vụ chính. Lúc này những người thợ đang lặng lẽ làm giàn tre cao dần theo dấu những chiếc tổ xinh xinh trên cao mà thiếu kinh nghiệm như du khách khó lòng phân biệt. Khai thác yến là nghề rất nguy hiểm.
Chỉ cần sẩy chân là rơi từ độ cao gần trăm mét xuống đá tảng rồi lăn xuống biển sâu, cầm chắc cái chết. Lên đến độ cao như thế, gió biển ù tai, chỉ cần tâm không tịnh, không thanh thản, không đủ sức khỏe sẽ dễ gặp nạn. Bây giờ đã có giàn leo, nhưng chiếc giàn cũng đu lắc dữ dội, công nhân khai thác yến như làm xiếc giữa trùng khơi, vẫn bội phần hiểm nguy.
Khi nhìn cảnh ấy không khỏi chạnh lòng nghĩ gần năm trăm năm có nghề khai thác yến, quanh nơi này biết bao người xưa bỏ mạng. Lại nghĩ đàn yến suốt ngày bay giữa biển khơi, chỉ ăn côn trùng, uống nước trong tận suối trên đỉnh núi để có được những giọt nước dãi tinh khiết và bổ dưỡng, đến tối bay về tìm tổ chỉ thấy vách đá trống không.
Những dịp hiếm hoi tiếp cận hang yến trên đảo Hòn Khô
Khi mất tổ chúng sẽ cật lực làm tổ mới cho kịp mùa đẻ trứng. Lúc này chim sức tàn, lực kiệt, thời gian không còn nhiều nên chiếc tổ yến không còn nhiều giá trị dinh dưỡng. Nhưng tổ yến loại hai này cũng bị khai thác vào tháng Tám Âm lịch, khi bầy chim non tạm cứng cáp rời tổ.

Ai cũng mong một lần tận mắt nhìn thấy chiếc tổ yến huyết biểu tượng của sức mạnh và tình yêu. Chính xác là muốn nhìn tận mắt những tai yến khai thác về có màu hồng đỏ, dường như máu của chim yến đã tan chảy vào chiếc tổ cho lứa con thơ.
Ông Nguyễn Vân, một nghệ nhân của đội yến Cù lao Chàm hồi tưởng, suốt mấy chục năm làm yến, ông chỉ bắt gặp yến huyết hai lần, với số lượng ít ỏi, là tổ của những con chim khỏe nhất chọn nơi đỉnh hang cao nhất, thâm sơn cùng cốc làm tổ. Có thể vì sức khỏe và sự dũng mãnh đó làm cho con chim này đã tận tâm tận sức với chiếc tổ của mình đến thổ huyết tạo ra chiếc tổ màu hồng đỏ.
Nếu thật sự còn yến huyết, giá trị của nó không dưới 7.000 USD/ký. Vì thế, nó là món hàng bị săn lùng nhiều nhất. Ông Nguyễn Vân kể rằng, ngày xưa có bà Huyền Phi, vợ vua Thành Thái rất được vua sủng ái vì có nước da tươi hồng.
Anh trai của Huyền Phi thường nhờ các quan đầu tỉnh xứ Quảng săn lùng yến huyết, thứ yến hạng nhất chỉ có ở Hòn Khô, Cù lao Chàm, đưa về dâng lên cho bà phi dùng bồi bổ cơ thể và nhan sắc. Vì thế, trong Hoàng tộc Huế rất chuộng thứ yến sào Quảng Nam, cho rằng hơn hẳn yến Khánh Hòa hay Bình Định.
Dù sao yến huyết hay các thứ yến hạng nhất cũng chẳng đến tay người Việt, bởi ngay từ khi thương cảng Hội An tấp nập thuyền bè vào ra cách nay 300 năm, yến sào chính là món hàng mang lại lợi nhuận rất lớn cho thương nhân, những mao yến là loại hạng nhất đều về tay các thương nhân Đài Loan vốn chuộng món thực phẩm mang danh “đệ nhất bát trân ngự thiện” nên đã bỏ tiền đặt hàng từ mùa yến chưa... làm tổ.
Ngày nay cũng vậy, với sản lượng chừng 700 ký mỗi mùa khai thác, yến sào Cù lao Chàm là mặt hàng hiếm hoi không đủ đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, giá cao hơn yến sào Khánh Hòa khá nhiều. Yến hạng nhất ở đây nặng tới 15gam, có giá 5.000 USD/ký.
Thứ yến người Việt đang mua bán, sử dụng trên thị trường là bạch yến, tổ yến khai thác vào tháng Tám Âm lịch, tức là loại tổ con chim yến phải làm lại sau khi mất tổ đầu tiên, chất lượng kém hẳn so với cái tổ đầu tiên.

Trên Hòn Khô, anh Vũ, Đội phó Đội khai thác yến, kể chuyện nghề rất thú vị. Lúc đầu mới đi gỡ tổ yến, nhiều anh em run tay thương con chim bé nhỏ chung thủy. Sau nghề yến ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn, người thợ kiêm luôn cả việc săn sóc, bảo vệ đàn yến.
Hằng ngày, họ cũng leo trèo chăm chút, cứu chữa bầy chim non đang vắng cha mẹ như các bác sĩ điều dưỡng ở độ cao hàng chục mét so với mặt nước. Đàn yến thiên nhiên ở đây phát triển đã tăng dần sản lượng khai thác yến sào mỗi năm. Mặc dù tàu thuyền qua lại phải giữ cự ly cách Hòn Khô vài ba trăm mét, nhưng ngẩng đầu lên có thể thấy yến bay rợp trời trên đỉnh hang đá của đảo nhỏ.
Món yến nay đã được bình thường hóa nhờ nghề nuôi yến trong nhà phát triển ở các vùng từ Nam đèo Hải vân trở vào, nhưng các thương lái chuyên nghiệp đều định giá tổ yến ở các đảo thiên nhiên cao gấp đôi so với yến nuôi trong nhà do khác nhau về độ đậm đặc dinh dưỡng. Vì vậy, danh xưng “Đệ nhất yến sào Cù lao Chàm trong vùng Đông Nam Á” chưa thể mất đi trong tương lai.
 
BÍCH HỒNG - Nguồn Báo Doanh nhân Sài gòn