--------------------- Tư vấn - Thiết kế - Lắp đặt và chuyển giao công nghệ nuôi Chim Yến trong nhà --------------------
VPMN: 35 đường số 10, KP4, P.HBC, Q.Thủ Đức,TP.HCM ----- VPMT: 313 Lê Thanh Nghị,Q.Hải Châu, Đà Nẵng
Tel: 0511.6255.417 - 6255.418 - Fax: 0511.6255.418 *Hotline: 0917.44.65.30 *Email:Phanhungthinhdn@gmail.com

27 tháng 9, 2011

Bao giờ không phải là “lộc trời”?

Không rầm rộ như những lĩnh vực đầu tư khác nhưng nghề nuôi chim yến tại gia (còn gọi là yến nhà) cũng đang trở thành cơn sốt tại nhiều địa phương.
Nuôi chim yến vừa hướng tới cơ hội trở thành một ngành công nghiệp mới mẻ, vừa đặt ra nhiều vấn đề về quản lý và đầu tư. Hội thảo với chủ đề “Chim yến: nguồn lợi không tự nhiên mà có!” do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (Huba) và Ban Chỉ đạo Nông nghiệp-Nông thôn TP.HCM tổ chức, có thêm nhiều câu trả lời cho các nhà đầu tư nuôi chim yến.
Một vốn bốn lời
Điển hình, dự án nhà nuôi yến thí điểm (gồm 3 căn liên kế) của Công ty TNHH Yến Đất Việt (Yến Đất Việt) tại ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, xây dựng cách đây vài năm, với mức chi phí (bao gồm xây dựng và lắp đặt hệ thống máy phun sương, đo nhiệt độ, âm thanh...) khoảng từ 1,5 tỷ đồng/mỗi căn với ý định “nuôi thử”.
Song, đến nay, thành công đã vượt ra ngoài sự mong đợi, nhà yến cho khoảng 45kg tổ yến/mỗi tháng, với giá bán trung bình từ 37 - 45 triệu đồng/kg.
Như vậy, chỉ cần thu hoạch 4 tháng, Yến Đất Việt đã có thể lấy lại vốn đầu tư. Theo đó, đến nay, sau hơn mấy năm triển khai dự án này, trị giá của việc “làm chơi, ăn thiệt” của Yến Đất Việt đã đạt đến con số trên 100 tỷ đồng.
Ông Phạm Trọng Đức, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ, TP.HCM, cho biết, trong phạm vi đề án nuôi thí điểm chim yến tại huyện Cần Giờ cho thấy tỷ lệ thành công rất cao.
Riêng năm 2010, huyện Cần Giờ thu được 400kg/101 căn. Giá thị trường khoảng 35 triệu đồng/kg yến thô, mang đến tổng trị giá tổ yến của Cần Giờ đạt khoảng 14 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng có đầy đủ tiềm năng để phát triển ngành nuôi yến mang lại lợi nhuận cao, giá trị xuất khẩu lớn và hỗ trợ phát triển nông nghiệp. Tuy đầu tư lớn nhưng đầu ra cũng rất khả quan, nhu cầu về các sản phẩm từ tổ yến trên thị trường thế giới ngày càng lớn, giá mặt hàng này cũng rất cao.
Hiện nay, một kg yến thông thường có giá trung bình khoảng 40 triệu đồng, yến huyết có giá từ 60-90 triệu đồng. So với các nước đang đứng nhất nhì thế giới về nguồn tổ yến như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia, thì trị giá của tổ yến Việt Nam lại cao hơn bởi có độ thơm tự nhiên từ tinh chất của yến.
Đi tìm mô hình bền vững
Không chỉ tại Cần Giờ, nhiều nhà đầu tư đã triển khai dự án nhà nuôi chim yến ở khắp các tỉnh khu vực Đông Nam bộ như: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quy Nhơn (Bình Định), Ninh Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, (Cần Giờ) TP HCM, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang...Mặc dù vậy, cũng có không ít nhà đầu tư buộc “bỏ của chạy lấy người” vì không có kết quả.
TS. Lê Võ Định Tường, Viện Công nghệ Hóa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết đến nay, nghề nuôi chim yến không còn dựa vào yếu tố may rủi mà phụ thuộc phần lớn vào kỹ thuật nên xu hướng thành công là khá cao nếu biết tận dụng.
Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Tất Hữu, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Viễn thông Trọng Nhân, hiện đang sở hữu 5 nhà nuôi yến trên địa bàn tỉnh Bình Định và Huyện Cần Giờ, TP.HCM cho biết, yếu tố kỹ thuật khá quan trọng, quyết định sự thành công của nuôi chim yến và điều kiện tiên quyết là vùng có chim yến cư ngụ.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi yến nhà tại Việt Nam còn mang tính tự phát, chưa được định hướng phát triển cụ thể khiến nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn vì thiếu thông tin, chính sách và hỗ trợ kỹ thuật. Cụ thể như: giấy phép xây dựng nhà nuôi yến, phương thức đánh thuế, quy hoạch khu vực nuôi, vệ sinh môi trường...
Ngay tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia, nhà đầu tư cũng đồng loạt kiến nghị với các Sở, ban, ngành có liên quan sớm có những hỗ trợ, định hướng để ngành nuôi chim yến phát triển.
Theo đó, các đại biểu cũng đưa ra đề nghị thành lập hiệp hội của nghề nuôi chim yến, tạo đầu mối hỗ trợ kỹ thuật, thông tin cũng như vốn cho những doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Trong việc quy hoạch vùng nuôi, yếu tố cân bằng sinh học và bảo vệ môi trường sống cần phải được chú trọng.
“Lời khuyên của tôi là chúng ta không nên phát triển nghề nuôi chim yến tại nội thành mà nên nuôi chim yến ở những khu ngoại thành, như Cần Giờ chẳng han. Ở đó có những điều kiện tốt như có sông ngòi, cây cối... Đó là việc làm cần thiết để chúng ta bảo vệ môi trường sống”, PGS.TS Nguyễn Khoa Diệu Thu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam nói.


LÊ LOAN

16 tháng 9, 2011

Bài 3: Nuôi côn trùng: Nghề “ăn theo”

Điểm khác biệt của việc nuôi chim yến so với các ngành chăn nuôi truyền thống khác là chúng ta không phải nuôi thực sự mà chỉ làm nhà cho một loài chim hoang dã là chim yến ở.

Người nuôi cũng không phải mua con giống, không phải cho ăn. Tuy nhiên, trong tương lai gần, yếu tố giới hạn trong nghề này có thể sẽ chính là thức ăn cho chim.
Thức ăn của chim yến là nhiều loài côn trùng, trong đó có nhiều loài gây hại cho cây trồng, vật nuôi và con người, nên nuôi chim yến được coi là một phương pháp phòng trừ côn trùng gây hại cho môi trường.
Trước nay, việc phát triển nuôi chim yến chủ yếu phụ thuộc vào việc phát triển nhà nuôi yến, vì thức ăn cho chim yến vốn rất phong phú ở các nước nhiệt đới. Việc nuôi hay thu hút côn trùng chỉ với mục đích làm tăng khả năng hấp dẫn chim cho nhà yến.
Nhưng để phát triển công nghiệp nuôi chim yến mạnh mẽ và vững chắc, không thể không chú trọng giải quyết thức ăn cho những đàn yến hàng trăm triệu con và đang ngày càng gia tăng.
Chim yến chỉ có thể đớp mồi trên không trung mà không thể mổ, nhặt mồi trên mặt đất như gà, vịt. Đây là khó khăn lớn nhất khi muốn công nghiệp hóa làm thức ăn cho chim yến.
Thức ăn của chim yến là các loài côn trùng nhỏ bay lên hay bị gió cuốn lên từ các đầm lầy, ao hồ, sông suối (như muỗi, phù du…), từ các thảm cỏ hoang dã, từ cánh đồng, ruộng vườn, từ các kiểu rừng trong đó có rừng ngập mặn, từ chợ búa, bãi rác, trại chăn nuôi.
Nhìn chung, ở đâu có cây cối, rác rưởi, phế thải nông – lâm nghiệp, có côn trùng, chân khớp là có thức ăn cho chim yến.
Thường các côn trùng chân khớp này bị cuốn và bay theo các luồng gió, luồng không khí và chim yến lợi dụng việc này để kiếm ăn. Nhà yến làm dọc theo các dòng khí lưu này có nhiều khả năng thu hút chim yến hơn các nơi khác.
Tuy nhiên, chỉ có rừng nhiệt đới ẩm ướt, rừng ngập mặn và thảm cỏ đất ngập nước mới là nơi có nhiều côn trùng quanh năm. Các khu vực khác chỉ sản sinh côn trùng trong một số thời điểm, với một số điều kiện nhất định. Do vậy, để chủ động nguồn thức ăn cho chim yến, chúng ta cần nuôi trên quy mô lớn một số loài côn trùng.
Hiện nay, người ta đang chú ý nuôi một số loài ruồi quả (ruồi dấm). Nuôi ruồi quả không khó, giống cũng thường có sẵn trong thiên nhiên, chỉ cần thu hút chúng về. Thực phẩm nuôi chúng rất phong phú và rẻ (phế liệu các nhà máy chế biến hoa quả, thực phẩm, mía đường...), chỉ cần điều chỉnh hàm lượng đường, độ pH, độ ẩm, nhiệt độ cho phù hợp.

Thị trường có bán một số dụng cụ chuyên dụng nuôi ruồi. Có thể làm nhà nuôi ruồi ngay sát nhà yến. Trong nhà làm nhiều dàn giá nuôi và có đường ống với các quạt để thổi ruồi vào nhà cho chim yến ăn.
Cũng có thể nuôi ruồi để lấy nhộng. Nhộng ruồi có thể bảo quản ở nhiệt độ mát hàng năm trời để khi cần lấy ra cho nở thành ruồi. Cũng có thể nuôi ruồi lấy trứng, trộn với bột môi trường thích hợp, đóng hộp, khi cần bổ sung nước đủ ẩm cho nở.
Nuôi côn trùng cho chim yến ăn cũng là một chuyên ngành như nuôi chim yến, cần có nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Hiện nay, Viện Công nghệ Hóa học đang chuyển giao công nghệ nuôi công nghiệp một số côn trùng không gây hại nông - lâm nghiệp, không truyền bệnh, làm thức ăn nuôi chim yến.
Nguồn dinh dưỡng để nuôi côn trùng là phế thải nông - lâm nghiệp (mùn cưa, rơm rạ, trấu, cám, phế thải nhà máy rau quả, chế biến thủy hải sản...).
Một số cây họ si đa như sung, gừa, si, đa... có trái có nhiều côn trùng nhỏ, hay những cây có hoa hấp dẫn côn trùng như keo dậu (táo nhơn), ômôi, dừa nước... cũng là những loài thích hợp trồng ở vùng nuôi yến.
Việc trồng và nuôi dưỡng các loài cây này rất cần quan tâm hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, vì các hóa chất này không những tận diệt nhiều côn trùng là thức ăn của chim yến, mà còn có thể làm ô nhiễm tổ yến.
Khoa học đã chứng minh, những thuốc có tồn lưu lâu còn có thể tích lũy trong chuỗi thức ăn gây ngộ độccho chim, hoặc làm mỏng vỏ trứng chim, khiến trứng dễ bị vỡ...
Hiện nguồn thức ăn cho chim yến trong thiên nhiên còn khá dồi dào. Nhưng trong tương lai gần, với sự phát triển khá “nóng” nghề nuôi chim yến như hiện nay, “thức ăn nhân tạo” cho yến chắc chắn sẽ là một nhu cầu, và nuôi côn trùng làm thức ăn cho yến theo hướng công nghiệp hóa sẽ theo đó trở thành một nghề “hái ra tiền”.


TS. LÊ VÕ ĐỊNH TƯỜNG - Viện Công nghệ Hóa học - Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Bài 2: “Quyết định sớm, hoặc không bao giờ!”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, hết phổ thông, Lê Danh Hoàng theo học khoa Kinh doanh quốc tế của Đại học Ngoại thương.

Năm 2004, khi còn là sinh viên năm thứ ba, trong một lần làm thêm với công việc hướng dẫn đoàn doanh nhân và quan chức Indonesia tham dự hội chợ Vietnam Expo, Hoàng đã gặp ông bà TS. sinh vật học Elisa Nugroho. Ông Nugroho lúc đó là Chủ tịch Hội người nuôi yến Indonesia, và được coi là người phát minh ra nghề nuôi yến hiện đại.
Họ sang Việt Nam tham dự hội chợ với ý định mở rộng thị trường và phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam. Hoàng đã đưa ông bà Nogroho đi gõ cửa nhiều doanh nghiệp để tìm hướng hợp tác, nhưng không thành.
Khi ông bà tiến sĩ về nước, Hoàng đánh bạo xin làm đại lý ở Việt Nam phân phối thiết bị nuôi yến, mặc dù thực sự chưa biết sẽ bán cho ai, bán như thế nào...
Theo học nghề nuôi yến trực tiếp cùng TS. E.Nugroho và TS. When Drato tại Indonesia và hầu hết các nước Ðông Nam Á, Lê Danh Hoàng đã tiến hành nghiên cứu về điều kiện tự nhiên và thói quen sinh học của loài chim yến ở Việt Nam.
Luận văn về tiềm năng và định hướng phát triển của nghề nuôi yến tại Việt Nam và bản đồ chi tiết các tỉnh có thể phát triển nghề của anh được viết trong thời gian theo học tại Hoa Kỳ được đánh giá cao.
Hoàng đã thành lập trung tâm Eka Vietnam chuyên tư vấn nuôi yến vào năm 2005, và tiến hành xây dựng thành công những mô hình nuôi yến trong nhà đầu tiên tại Việt Nam. Anh đã tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu đổi trứng chim yến cỏ và ấp chim con cũng như tư vấn xây dựng nhà yến thành công cho nhiều khách hàng ở Đông Nam Á.
Anh hiện là Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Chấn Hưng (yến sào Hoàng Yến). Và dưới đây là tâm sự của người đã có 7 năm trong nghề nuôi và kinh doanh sản phẩm từ chim yến:


“Tôi bước lên máy bay sang Indonesia học nghề nuôi yến vào một buổi chiều tháng 3. Dưới cánh máy bay là cả một vùng xanh mênh mông của rừng ngập mặn Cần Giờ, những cánh đồng lúa mênh mông của Long An, Gò Công, và sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ cùng muôn dòng sông uốn khúc.
Lòng tôi dâng lên một nỗi bồn chồn, không chỉ vì đây là lần đầu tiên ra nước ngoài, mà còn vì trách nhiệm tôi đã đặt ra cho mình là phải mang một nghề mới về cho Việt Nam. Đây phải là nghề có thể giúp tôi và nhiều người khác làm giàu.
Bảy năm sau, trên vùng đất Cần Giờ dưới cánh máy bay ngày đó, giờ là một làng nuôi yến với hàng trăm căn nhà yến.
Công ty chúng tôi từ một nhóm ba người đã thành hơn 150 người, với hệ thống nhà nuôi yến, xưởng chế biến và chi nhánh bán hàng toàn quốc.
Định kiến chim yến chỉ sống trong hang động gần biển đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ người Việt Nam. N
hững ngày đầu khởi nghiệp, một trong những trở ngại lớn nhất của chúng tôi là mọi người không tin rằng chim yến sẽ nuôi được. Chỉ khi chứng kiến tận mắt những tổ yến trong nhà người ta mới tin.
Nguyên lý của nghề nuôi yến thực ra đơn giản như một điều tự nhiên là nước sẽ chảy về chỗ trũng. Đó là tạo cho chim yến môi trường sống thật giống môi trường ở những hang động tự nhiên. S
au đó dùng âm thanh bầy đàn gọi chúng về. Gặp môi trường sống thuận lợi, chim yến sẽ ở lại và sinh con. Người nuôi chỉ cần đợi cho chim non biết bay là có thể hưởng lợi từ thu hoạch tổ yến.
Bằng nghiên cứu nhiều năm trên hàng trăm căn nhà yến tự nhiên ở Indonesia, TS. sinh vật học Nugroho đã chế tạo ra hàng trăm loại thiết bị khác nhau để tạo ra môi trường sống thuận lợi cho chim yến, đồng thời ông cũng viết hàng chục đầu sách về kỹ thuật này.
Những căn nhà yến nhân tạo đầu tiên của Việt Nam áp dụng kỹ thuật của ông. Bằng những cải tiến và quy trình quản lý chặt chẽ hơn, hiện Hoàng Yến đã sản xuất được tất cả các trang thiết bị cho nghề này, và xuất khẩu “ngược lại” thị trường Indonesia.
Theo những thống kê chưa đầy đủ của Hoàng Yến, mỗi năm, người Việt Nam tiêu thụ hàng trăm triệu USD giá trị tổ yến. Hàng trăm công ty, cửa hàng bán tổ yến mọc lên như nấm sau mưa trên khắp những con phố của TP.HCM, Hà Nội đến các thành phố khắp cả nước.
Tuy nhiên, thị trường lớn hơn gấp nhiều lần nằm ở Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước có người Hoa sinh sống. Gần đây, Hoàng Yến cũng đã bán được tổ yến cho người Đức và Úc.
Nhưng, với hàng vạn căn nhà yến đã và đang sắp mọc lên trên khắp Đông Nam Á, liệu thị trường có hấp thụ nổi lượng sản phẩm?
Câu trả lời không nằm ở ý chí của nhà đầu tư hay quy hoạch của các chính phủ. Nó nằm ở một đặc tính đơn giản của sự cân bằng sinh thái. Thuyết cân bằng này cho biết, số lượng chim trên một đơn vị diện tích lãnh thổ sẽ cân bằng với lượng côn trùng sản sinh tự nhiên ở lãnh thổ này. Nếu số lượng chim vượt quá sẽ thiếu thức ăn và đàn chim tự khắc bị giới hạn.
Indonesia và Malaysia với hàng trăm ngàn căn nhà nuôi yến ở mỗi quốc gia đã sắp chạm mốc cân bằng sinh thái này. Chính vì vậy, sản lượng không tăng nhiều trong những năm gần đây. Thậm chí một số vùng ở Indonesia còn chứng kiến sự giảm sút của đàn chim.
Sự cân bằng này cũng khiến nhiều căn nhà nuôi yến tại những vùng như Gò Công (Tiền Giang), Cần Giờ (TP.HCM) hay Sông Đốc (Cà Mau) đã không đạt kết quả như mong đợi.
Tỷ lệ thành công chỉ khoảng 30%, nằm phần lớn tại những căn nhà đã xây đầu tiên trong vùng. Quá nhiều nhà nuôi trong một khu vực đồng nghĩa với tỷ lệ thất bại tăng cao. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, chỉ nên có từ 10 - 20 căn nhà nuôi yến tại một khu vực sẽ cho kết quả cao nhất.
Về khía cạnh quản lý, kinh nghiệm của Malaysia là một bài học đáng lưu tâm. Họ không gõ cửa từng nhà, đếm từng tổ yến để thu thuế, vì điều này gần như không thể thực hiện được. Thay vào đó, họ đánh thuế khoảng 35USD trên mỗi ký tổ yến xuất khẩu.
Do phần lớn sản lượng sản xuất của các nước Đông Nam Á cuối cùng cũng sẽ xuất khẩu, nên đây là cách nhà nước vẫn thu được thuế trong khi người kinh doanh được hoạt động hợp pháp và được bảo vệ.
Với vài ngàn căn nhà ở Việt Nam vào thời điểm tháng 8/2011, chúng ta mới đi được khoảng 30% quãng đường phát triển nghề nuôi yến cho đến khi số lượng nhà yến quá nhiều để đạt hiệu quả cao. Điều này sẽ xảy ra trong vòng khoảng 5 năm tới. Các nhà đầu tư nếu có quan tâm đến nghề này, theo tôi, nên quyết định sớm, hoặc không bao giờ!”.

13 tháng 9, 2011

Bài 1: Nghề nuôi yến: Sao cho bền vững?

Nuôi yến trong nhà là một nghề đặc thù ở vùng Đông Nam Á. Vào năm 2001, Indonesia có 10.000 ngôi nhà yến, Malaysia có 1.000. Mười năm sau, Indonesia đã có khoảng 00.000 nhà, Malaysia là 40.000, và lúc này Thái Lan cũng có 60.000-70.000 nhà. ndonesia là nước có sản lượng yến lớn nhất. Năm 2008, riêng nước này cung cấp 70% nhu cầu tổ yến cho toàn thị trường. Thái Lan đứng thứ hai. Tiếp theo là Malaysia. Năm 2008, nước này sản xuất 25 tấn tổ yến, có giá trị tương đương 1 tỷ RM. Hiện Malaysia đang phấn đấu đạt mức 30% thị trường toàn cầu, tạo ra doanh thu 1,45 tỷ USD vào năm 2020. “Đón” nghề Năm 2008, trọng lượng tổ yến tiêu thụ trên thị trường thế giới là 260 tấn, đạt doanh thu khoảng 4,3 tỷ đô la Mỹ. Thị trường nhập khẩu chính là Hồng Kông chiếm 50% lượng mua bán tổ yến thế giới; cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand tiêu thụ khoảng 15%; Trung Quốc 8%, Đài Loan 4% và Macao 4%. Riêng năm 2006, các nơi này đã tiêu thụ 160 trên tổng số 200 tấn tổ yến được bán ra trên toàn thế giới. Ngoài ra, tổ yến còn được bán sang các nước Canada, Châu Âu, Singapore, Nhật Bản, Nam Triều Tiên... Giá bán tổ yến đã sơ chế tại Hồng Kông từ 6.000 - 7.000 USD/kg. Trừ vàng, tổ yến sơ chế đắt hơn bất cứ kim loại nào trên thế giới. Nghề nuôi yến du nhập vào Việt Nam từ năm 2004, phát triển ra các hộ dân năm 2005. Hiện nay, nuôi chim yến tại đây đã dần thành một nghề với khoảng vài ngàn nhà yến, trong đó một số ít hộ gia đình có 5-6 nhà yến. Một nhà nuôi yến thu hoạch trung bình 700-800gr đến 1kg tổ yến mỗi tháng, có nhà thu hơn 10kg/tháng. Tuy nhiên cũng có không ít căn nhà sau một số năm xây dựng, chim vào rất ít, chim con sau khi sinh ra đều bay mất. Qua nhiều năm tham gia hoạt động và theo dõi phát triển của nghề mới này tại Việt Nam, tôi thấy, hiện có khoảng 60-70% nhà yến xây dựng đã có chim vào làm tổ, riêng ở Bình Định đạt đến 80%, nhưng năng suất không đồng đều và phải chỉnh sửa nhiều lần. Các vùng nuôi yến ở Việt Nam có thể tính từ Nghệ An trở vào đến đảo Phú Quốc, Cà Mau. Nhiều nhất là TP.HCM (tính cả Cần Giờ) khoảng vài trăm nhà yến, tiếp đến là Khánh Hòa khoảng 100, Bình Định có 60-70 nhà; sau đó là Tiền Giang, Kiên Giang, Phú Yên, Ninh Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bạc Liêu, Quảng Ngãi, Long Thành, Bình Dương, Đồng Nai..., mỗi tỉnh đều có hàng chục nhà yến. Đầu tư vào nghề này thường là những người Việt Nam có điều kiện kinh tế khá, vì vốn đầu tư ban đầu khá cao, tốc độ hoàn vốn lại chậm. Hiện tại Việt Nam có một số nhà đầu tư nước ngoài như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia. Các nhà đầu tư nước ngoài này thường tự làm nhà yến cho mình, và đã khá thành công. Về đội ngũ nhà thầu tư vấn, ở Việt Nam có khoảng 3-5 nhà tư vấn có tên tuổi, trong đó có những nhà tư vấn tuy không xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nhiều nhà yến do họ làm đều có kết quả tốt. Trong tháng 10/2010, có một chuyên gia tư vấn có uy tín ở Đông Nam Á vào Việt Nam. Ông này dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 10.000 nhà yến, tức gấp 6-7 lần hiện nay. Chưa ai tính được sản lượng tổ yến của Việt Nam trong năm 2010. Mặc dù vậy có thể đưa ra một tư liệu cụ thể đã được đăng tải chính thức: Huyện Cần Giờ (TP.HCM) có 77 căn nhà nuôi chim yến (với tổng diện tích xây dựng 34.688,4m²), trong đó 17 căn có sản phẩm thu hoạch và 60 căn mới xây dựng, gây nuôi chưa có sản phẩm. Sản lượng thu hoạch của 17 nhà nuôi chim yến ở đây qua các năm như sau: Năm 2008 là 60kg, năm 2009 thu 250kg, năm 2010 thu 400kg. Giá thị trường khoảng 35 triệu đồng/kg yến thô. Như vậy, năm 2010, tổng trị giá tổ yến của Cần Giờ đạt khoảng 14 tỷ đồng. Nhưng để có kết quả này, đòi hỏi vốn đầu tư xây dựng nhà nuôi chim yến rất lớn. Hơn nữa, sản lượng này chỉ tập trung vào một số ít nhà. Và “nuôi” nghề Việt Nam nằm trong vùng có điều kiện thiên nhiên thích hợp với chim yến, lại có bờ biển dài, nhiều hồ ao, sông ngòi, cửa sông, là những yếu tố mang lại nguồn thức ăn phong phú cho chim yến. Nhưng, chim yến là một loài sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, có đặc tính sinh học đặc biệt. Vì vậy, nuôi yến hoàn toàn không phải một nghề dễ. Sự phát triển của chim yến có mối quan hệ tỷ lệ thuận với bảo vệ môi trường. Nếu môi trường thiên nhiên bị phá hủy do đô thị hóa, chim yến có thể sống trong “khách sạn 5 sao”, nhưng thức ăn không đủ, chim buộc phải đi rất xa để kiếm ăn, sự tiêu tốn năng lượng sẽ làm cho số lượng quần đàn giảm xuống. Trong nuôi yến, cần chú ý mối cân bằng sinh học giữa côn trùng – chim yến - con người, nghĩa là cần nghĩ đến sự cân bằng giữa lượng thức ăn có trong tự nhiên với tổng đàn yến và số nhà yến mà con người xây dựng. Có thể nêu một ví dụ về cân bằng sinh học ảnh hưởng đến sản lượng: Trong khi tại Indonesia, Malaysia, tỷ lệ thất bại của nuôi yến trong nhà là 40% thì tại Philippines, tỷ lệ thành công là 83%. Lý do tỷ lệ thất bại ở Indonesia và Malaysia khá cao là vì số trại và nhà nuôi yến phát triển nhanh hơn số lượng chim. Indonesia có công nghệ nuôi yến trong nhà rất phát triển, nhưng thất thu một phần vì nuôi yến thiếu kiểm soát. Ngoài ra, cần biết một đặc điểm của loài yến là phân bố không đồng đều. Ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa có rất nhiều hang yến, nhưng mỗi tỉnh chỉ có một hang có sản lượng cao nhất đạt 60-70% sản lượng tổ của mỗi tỉnh. Trong nghề nuôi yến, cơ hội thành công nhiều nhất là xây nhà ở gần nhà có nhiều yến (trung tâm yến) hoặc gần đảo yến (cách khoảng 10km trở xuống là tốt nhất). Ngày nay, người ta có thể sử dụng máy gọi chim và quan sát đường chim bay, vùng chim kiếm mồi để xem sau thời gian bao lâu thì gọi được bao nhiêu chim về, từ đó xác định địa điểm xây dựng. Chim yến có thói quen trở về nơi mà nó sinh ra, nhất là chim bố mẹ, nên thường chỉ dụ được chim con. Vì vậy, ở khu vực có nhiều nhà yến thì nhà mới xây dựng cần phải có kỹ thuật cao, như băng tiếng gọi bầy đàn tốt nhất, chất dẫn dụ tốt, các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, độ thông thoáng phải thật phù hợp với yêu cầu sinh lý sinh thái của chim, thì chim mới vào nhiều và ở lại. Nếu không, chim sinh con ra trong nhà đó cũng sẽ lại đi sang các nhà khác có điều kiện tốt hơn. Quy hoạch những vùng nuôi yến cách xa thành phố là cách tốt nhất để vừa phát triển đàn yến, tăng sản lượng tổ yến khai thác, vừa bảo vệ môi trường sống của con người. Hiện nay ở Việt Nam đã có các khu nuôi yến tập trung như ở xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ, TP.HCM). Tỉnh Ninh Thuận cũng mới có dự án quy hoạch nuôi yến tập trung hai bên bờ sông Dinh. Một xu hướng mới hiện nay ở nước ngoài là hình thành các khu nuôi yến tập trung trong vườn sinh thái Ecopark, với yêu cầu là ở xa khu dân cư 10-50 km. Hiện Malaysia có 20 dự án nuôi yến như vậy, trong đó Ecopark tại Johor Baruh có 100 đơn vị nhà yến, kích thước mỗi đơn vị khoảng 6 x 22m. Ở Indonesia, các khu nuôi yến tập trung nhiều tại vùng nông thôn và hải đảo. Việt Nam có nhiều đảo, có thể quy hoạch nuôi yến trên một số đảo. Mô hình xây dựng nhà yến trên đảo đã hoàn tất. Theo tổng kết đề tài năm 2008, nhà yến đảo Bình Định đã có mấy chục tổ yến. Mô hình xây nhà nuôi yến trên đảo ở Việt Nam đã chứng minh chim yến đảo có thể vào nhà sống bình thường khi ta tạo dựng điều kiện sinh thái phù hợp cho nó. Để nghề nuôi yến phát triển bền vững, nuôi côn trùng cũng là một hướng đang được bổ cứu hiện nay. Một số nước trong vùng đã hoàn thiện kỹ thuật xây nhà nuôi côn trùng sát nhà yến. Ngoài ra cần phải trồng thêm các loài cây mà yến yêu thích và bảo vệ môi trường thiên nhiên ven biển. Thái Lan đã bảo tồn được khu rừng ngập mặn nên đàn chim yến của Thái Lan phát triển rất nhanh. Sự thành công về nghề yến của các nước Đông Nam Á đã phát triển đến mức hình thành các tổ chức ngành nghề, như Hiệp hội các nhà nuôi yến, Hiệp hội thương mại tổ yến, để những người có cùng sự quan tâm có thể trao đổi thông tin thương mại, kỹ thuật, điều hòa hoạt động… PGS-TS. NGUYỄN KHOA DIỆU THU